Mộng sống còn
Ly T. Nguyen
"Ông bà ơi," tôi khóc. "Chúng lại ở đây rồi." Ai cơ, họ hỏi đồng thanh, đôi mắt mơ hồ dịu dàng, hai cái đầu họ to bằng quả núi. Khi họ nhấc tay lên tính xoa đầu tôi, từng đỉnh đầu trỗi dậy, đất đá đổ ùn ùn. Tôi chạy né khỏi từng tảng đất một nối đuôi nhau dấy lên cao, chạy lên đứng trên một đỉnh đồi mọc đến gần mắt họ.
“Thực dân.” Tôi muốn khóc lớn hơn. "Chúng ở đây rồi, chúng lại tiếp tục giết người.” Xác người giờ tính bằng cân, bỏ trong túi bóng, còn tôi thì không dám nhìn vào đôi mắt của những người đang sống còn, nài nỉ.
“Cháu cũng biết thực dân à? Cháu có hiểu thực dân không?” Ông bà đồng loạt hỏi, cùng cúi đầu xuống nhìn tôi. Quá trình đằng đẵng hàng năm trời. Tiếng nói họ rền vang, từng âm tiết doãng ra, đứt đoạn. Chúng là tất cả những cơn sấm trên mọi bầu trời tôi từng đứng dưới, mọi mảnh đất tôi từng ghé thăm; luồng gió ùa ra từ miệng họ là mọi cơn bão sùm sụm nước, mùi ngai ngái của đất Đông Nam Á trước cơn giông, là mùi bão biển tháng bảy hay là bão tuyết tháng mười hai. Tôi nghiêng tai nghe mọi cơn sấm, đứng giữa trời ngửa mặt cho tuyết phủ đầy: nhặt nhạnh mọi tiếng sấm dồn gom lại mười ba năm thì nghe được cả câu.
Trong lúc chờ đợi, tôi thấy mọi tương lai mọi cuộc đời nơi tôi sống với từng người trong mọi người tôi từng yêu (*). Tất cả chúng tôi đều nhìn nhau, và những người yêu cũng đang nhìn thấy mọi tương lai mọi cuộc đời của họ. Trong lúc chờ đợi, một vị thần tôi không biết tên đã tới và bắt tôi phải chứng kiến sức mạnh của ông đối với những tín đồ, như thể bắt tôi bày tỏ lòng ngưỡng mộ. Vị thần là những ghi chép của hàng nghìn năm đau thương khổ ải, nơi quần chúng của ngài dạy nhau những sự thật doãng ra, đứt đoạn, nơi mọi tiếng bom và mọi tiếng gào hô quân và những lời cầu nguyện của hàng thế kỉ co cụm lại rồi biến thành bể máu rót ra thành những tách trà ly rượu. Nỗi bi thống vô biên chỉ trò chuyện với tôi trong đầu. Cả vị thần lẫn tôi đều biết là tôi không muốn nhưng vẫn sẽ làm. Mọi lời cầu nguyện đều là một lời kêu cứu. Trong lúc chờ đợi, mọi bản thể của tôi nhìn nhau và thừa nhận tôi từng thật lòng muốn chết, nhưng chúng tôi đều biết sẽ không bao giờ làm.
.
Những điều này ông bà tôi không biết bởi vì họ đang mải cúi đầu.
.
Khi tròng mắt của họ to lớn nhìn tôi, đầu tôi đứng gần chạm tới lông mi của họ. Tròng đen của họ như mấy cái giếng, sâu hun hút. Trong đó tôi nhìn thấy phản chiếu của bảy người khác đứng sau lưng mình. Tôi quay phắt lại, không thấy ai. Giọng bà vang lên từ dưới vực như thể đỉnh đồi tôi đang đứng là lồng ngực bà:
“Vào ngày thứ 131, Sợ Hãi sẽ trồi lên. Nó mang gương mặt của con, và cái lưỡi của nó sẽ chiếm lấy cái lưỡi của con. Giọng nó văng vẳng trong tai, còn giọng con thì biến mất.” Phản chiếu trong mắt bà, một tôi ngồi sụp xuống đất, hai tay ôm đầu, ai oán khóc. Nức nở, giày vò, quỳ mọp. Tất cả sáu cái tôi còn lại chỉ đứng nhìn.
“Khi Sợ Hãi có mặt, thì Dũng Cảm sẽ không ở đây." Ông tôi nói, giọng nhân từ. "Dũng cảm lúc nào cũng là đứa đầu tiên bị bắt bỏ tù.”
“Sợ Hãi.. Sợ Hãi... Sợ Hãi…” Một hình dáng trẻ hơn tôi thì thầm, nó ôm Sợ Hãi từ sau lưng, đọc tên như niệm chú. Bà tôi thì thào với cái giọng khô như cát bỏng:
“Niềm Tin lúc nào cũng sống còn nhưng nó rất dễ bị lung lay.”
Một hạt mầm rơi vào cổ tay tôi, tự tứa da rồi nhận chìm vào trong mạch máu. Trong thoáng chốc, gai góc nổi quanh người. Tôi gặng hỏi:
“Tại sao Niềm Tin lại cứa thịt cắt da để sống?” Bà thì thầm:
“Vì có sự tồn tại còn tệ hại hơn là cái chết.”
Sợ Hãi ngẩng mặt lên. Hai hốc mắt nó rỗng không, đen tuyền. Nó thôi không gào khóc nữa, rồi phủ phục dưới chân, tan dần cho đến khi chỉ là một vết nước nhỏ ngậm tan vào lòng đất. (/*)
Niềm Tin đứng lạc lõng. Hòn núi của ông tôi không động đậy, đôi mắt giếng bị lấp lại bởi bê tông, trét đá hoa.
Bà mất sáu năm mới quay sang được phía núi ông, nói: “Họ chôn ông ở nơi nhiều đồng đội. Những linh hồn cô đơn không bao giờ để nhau đi.” Trong lúc chờ đợi, tôi đã đi qua hàng trăm những đám tang có quan tài là bọc ni lông trắng và dưới bạt nỉ màu xanh lam phủ lên những nấm mồ tập thể, nhìn thấy những người mẹ và những đứa con, trẻ lẫn già, chật vật sống. Tôi ngồi xuống bên họ đôi lúc, tay vụng về chìa sự cảm thông. Họ nhìn nhau rồi nắm lấy bàn tay tôi, vuốt ve, những tiếng khóc thì thầm lọt thỏm vào trong lỗ miệng sâu hun hút. Sau lưng tôi, Sợ Hãi vươn hình hài lớn dậy, lần này là sương khói, bao trùm lấy tôi. Tôi không muốn tưởng tượng ra mùi cái chết và khói lửa, nên tôi gượm đứng dậy. Những bàn tay chìa ra trước mặt, lớn nhỏ, một biển những bàn tay khuơ vẫy, dặt dìu như cỏ lau trong cơn gió đang rít tên tôi bằng giọng mẹ. “Ai đẻ ra con đây,” giọng nói mẹ tôi vang lên trong tai. “Mẹ hay những người đang chết?” Tôi ngã ngửa vào những bàn tay cỏ lau, rơi xuống một tầng cát mịn, bụi bê tông phủ xám da.
Bà không nói gì, đột nhiên im bặt. Đằng sau bà, sau quả đầu núi lớn, một cô thôn nữ mặc bộ đồ đen quần nái ngồi trên một cành cây đổ dưới đường, tay đếm tiền thoăn thoắt. 1.. 2.. 4.. 100.. sai rồi.. không đủ.. thiếu ăn.. trận đói năm 45...
“Hối Hận.”
Cô ấy ngẩng mặt lên, nhìn từ xa tận chân trời mà tôi cảm giác hai tròng mắt gần chạm phải. “Hối Hận khiến bà cháu ta ngồi đây cùng một cõi.”
Tôi nhận ra bà, 40 tuổi, mái tóc mỏng như mây vấn khẽ bằng cái cặp tăm, buông dài sau lưng, tay miệt mài làm, mồm lẩm bẩm. Tôi thấy bà, tuổi 70, mặc cái áo bà ba trắng loang lổ đầy nhựa chuối. Đằng sau bà, kho gạo chứa đầy những túi bố thô ráp, mốc meo. Con gái bà đi quanh nhà, lặng lẽ không nói một lời. Con gái bà bỏ xứ vào Nam, bỏ con gái lớn, một thân một mình nuôi con gái út. Con gái bà, một bước nghịch đường cũng không dám đi, cứ mãi mãi chờ đợi những cuộc gọi liên quốc gia từ một thằng con lớn đã biến thành cái bóng và một đứa con gái tha hương chỉ luôn chạy trốn vào người lạ.
Tất cả con gái bà đặt tên là khói, hay hoà bình. Con gái cả bà đặt tên là khói từ đám mây, mây yên ổn. Con gái thứ hai là hai làn khói, hai lần thoát nạn. Con gái thứ ba, con gái cuối cùng, là nước mắt khói mây, hay dừng khóc, như cái tên của dòng sông quê nơi ba thế hệ tất cả đều phải bỏ đi rồi cả đời không về được nữa. Cho nên bây giờ tôi mới ở đây.
Một giọt nước mắt lớn ngấn ra từ bờ mi, mỗi sợi lông mi to như lá chuối non, trào ra rồi rớt xuống. Tôi tưởng như bị nhận chìm trong tuyến lệ của bà, nếm lại thấy mặn như muối biển. Tôi ngụp xuống trong nước mắt của bi thương, bơi mãi xuống qua tầng xanh đầu tiên của biển, về phía bóng tối thi thoảng lại loé lên những ánh sáng lập loè trôi ngược dòng như cá lạc bầy. Bơi bảy ngày sáu đêm, có những thế giới được hình thành, thì tôi đến một khung nước nơi mọi thuỷ lưu nóng lạnh đều giao nhau. Khi không chứng kiến hay tưởng tượng được tương lai, tôi được an ủi bằng việc biết về quá khứ.
“Vọng Tưởng.” Từ trong mồm tôi, giọng của bà cất lên, cái lưỡi sợ hãi đã chiếm lấy vòm họng. Nó run rẩy, da diết. Tôi nhả nó thành một bong bóng nước. Nó tự nhân đôi, rồi nhân ba, rồi biến thành những ánh sáng lập loè trôi đi. Từ trên nhìn xuống, dường như những đứa cháu gái của cả nhân sinh đang bơi trong đại dương nước mắt, vọng tưởng bong bóng của chúng tôi trôi khắp địa cầu. Tôi cảm tạ mọi tổ tiên và các vị thần tôi không biết tên đã cho tôi những cơn mơ sương khói, an yên, chúng là những cái hốc không gian đủ để úp mặt vào để trốn, khi gió tanh mưa máu sộc lên tận mũi.
“Em song sinh của Ước Mơ, nhưng hèn hạ hơn, tự ái, và yếu ớt. (**) Thi thoảng, chúng là một. Những lúc như vậy, chúng kéo ta về đây.” Tôi ước mình hiểu hơn về ham muốn sống còn.
“Vĩnh biệt, bà thân yêu.” Tôi nói, nói với tình yêu dâng trào trong lồng ngực. Một ánh lửa phập phồng loé lên trong không gian đen đặc. Từ đỉnh đồi nơi tôi đứng, những mẩu đá vụn lăn tròn rơi lách tách xuống đêm thâu, sự va chạm gửi lên những tiếng vọng chậm rãi và đứt quãng. Một tay bám vào ngọn cỏ, tôi rướn tay còn lại ra trước không gian im bặt. Nửa thân mình chống chếnh trước một sự trải dài vừa chật hẹp vừa bao la, tôi nức nở:
“Bà ơi, sự yên lặng này xuyên qua tai con như một lưỡi dao thật sắc, và những lời lẽ này là những dòng máu chảy tràn ra từ mồm con như một vết thương hé miệng. Chúng ta đều là những kẻ phản bội tổ tiên có đúng không?”
Những ngón chân qua đế giày cố bám trụ vào vệ đất dưới chân, tôi gào lên khản cổ vì cái bóng tối này nuốt lấy những lời nó thích, tước khỏi lưỡi người nói từng cụm một, như một cái hôn dài với hàm răng sắc nhọn sượt trên bề mặt. Những tiếng vọng lao xao đáp lại, những âm thanh xa lạ như có ai đang nói chuyện, lời rì rầm trong bóng đêm của những người đàn bà trong gác trọ có khung cửa sổ với ánh trăng chiếu thẳng vào phòng. “Phản bội… phản bội… thiên hạ…. Người lạ…” họ rỏ vào tai nhau những bí mật, lời thề, những gì cha, chồng, và con trai họ, những người thích ra đi sẽ không bao giờ biết. Tôi nuốt nước miếng, thấy mằn mặn vị rỉ sắt, có một vết cắt nhói lên. Khi nhả ra, từng chữ cái rơi vãi như những miếng móc cần câu, rơi lã chã xuống rồi lọt thỏm, biến mất chỉ có tiếng gió sượt qua.
Trong khu rừng, những tiếng thở nhẹ nhàng cùng những tiếng thì thầm. Cỏ lá khô tan nhỏ dưới mỗi bước chân. Từ dưới đất nhìn lên, những cành cây chĩa nhọn lên hướng bầu trời. Mặt trăng vằng vặc hắt xuống qua những chùm cây từng cụm ánh sáng như sự cứu rỗi. Không ai bước chân vào ánh sáng khi sự hiện diện đã trở thành điểm ngắm: ánh trăng chiếu thẳng xuống như đạn qua tim, tự do và rẻ rúng. Không ai còn nhớ lời đầu tiên hay cuối cùng đã nói với nhau, nhưng nhìn qua tròng mắt của bà, ngày đó khi đi tôi đã biết sẽ không bao giờ gặp lại.
Giọng nói trong miệng tôi chậm rãi thì thào. Này là lúc Bà sắp chết, một mình nằm trên cái giường cô độc, ông đã đi rồi, chắc bà hiểu tại sao cô con cả của mình cả đời chỉ nói chuyện với bản thân. Một vạt núi trên gương mặt to lớn của bà sụp lở như đất trúng bom. Hòn núi của ông nở hoa và lá cỏ xanh mềm, như thời gian trôi, một điều dĩ ngẫu. Bà sực tỉnh, lịm đi. Rặng tóc bạc như dây hoa vắt ngang cành lá; đôi mắt nhắm nghiền đông như thạch. Tôi tóc đã dài qua chân, trắng như cước, mà đứa trẻ ấu thơ vẫn chưa đi ngủ.
“Ước Mơ.” Cái tên khi được thống hiểu thì rền vang như sấm, rậm rực trong lồng ngực. Tôi chưa bao giờ chứa thứ nhận thức và tinh thần nóng nảy như vậy trong người, từng đầu ngón tay tê như ngàn mũi kim châm, chạm vào đâu cũng nảy lửa. Tượng đầu ông mắt đã nhắm nghiền, những lời nói ra tôi hiểu nhưng không nghe được, không biết được.
“Sống Còn. Nó chỉ xuất hiện khi con đối diện chúng.”
Hai ngọn núi không có mắt hay mồm, đồng thanh. “Nếu còn chạy trốn thì con sẽ không bao giờ tìm thấy nó.”
Tôi nghe họ từ dưới hai bàn chân đã đóng rễ muốn trở thành một phần của rừng cây của những đứa cháu gái đi tìm tổ tông. Những cái nấm mọc ra từ nước mắt ướt đầm đìa rơi rớt trên các thớ cây lén lút truyền tin cho nhau. Chúng thống hiểu rồi nhân đôi, nhân ba, dào dạt nhú lên khắp mọi nơi. Chúng trở thành một hệ thống không cốt lõi, chỉ len lỏi, những cái rễ tìm nhau như những đường hầm trú bom đã được đào, né tránh nguồn nước sông nước hồ. Chúng nghe ngóng khi từng thân thể bị bóc tách ra, thì thầm những cái tên đã biến mất không ai biết, rồi tiếp tục tại tồn.
Tôi ngoảnh lại, đầu tôi đã biến thành quả núi. Khi bắt đầu, tôi mới nhận ra, sẽ mất cả một đời người mới có thể hoàn thành, rồi tròng mắt tôi sâu như giếng đào hàng chục thước vào trong đất sa mạc cằn rồi nước mắ(á)t sẽ chảy ra, và rồi tất cả bản thể của mọi người tôi yêu và biết tên sẽ sống hết những cuộc đời của họ trong lúc chờ đợi tôi quay đầu nói với họ Ước Mơ Sống Còn đang ở nơi nào.
Cháu gái tôi rồi sẽ bơi vào đại dương nước mắt. Tôi biết rằng nó sẽ đi tìm tôi trong từng sợi tóc, sợi mi.
13/08/2024.
(/*) “Everyone says, connect to your inner child, connect with your inner child. What if my inner child wants a gun, huh? A glock-uh. A pow-pow-power glock?” - A Scorpio baddie asks, and I digress. My inner child didn’t want a gun but knew what it could do, and my whole life, I am making peace with the wars it fought and brought.
(*) Tôi xin phép để từng thế giới có và không có tôi định đoạt cái cách mà tôi và những người tôi yêu sống, làm người tình, làm gia đình, làm bạn, làm những người lạ van nài hay cứu giúp lẫn nhau, làm những người lẩn trốn hay theo đuổi nhau, làm những ngôi nhà hay quán trọ, làm quê hương hay đất lạ, làm những khu rừng rợn ngợp sương mù hay những cánh đồng nắng rát, làm cát dưới đáy đại dương hay là ngọn núi trọc đầu, nếu đã sống thì cuộc đời xin hãy còn.
(**) Bạn tôi ngồi giữa sân vườn xanh mát rượi xung quanh bè bạn mà lại nghĩ đến việc tắt thở làm tình với con gái nhà người ta.
Bạn tôi thích ăn, thích chơi, thích chết, nhưng đến cái trầm cảm nhạt nhoà nhất của nó cũng còn lung linh hơn giờ phút vinh quang nhất của tôi.
Bạn tôi ngày ấy ghét đứa con gái xấu xí lại hay nói bậy, để rồi bị ám ảnh mười tám năm sau vẫn còn mong nó quay lại hỏi, ngày ấy sao mày không đến tiệm cà phê nhỏ sau trường để, có khi nào, hôn lên đôi môi không biết sợ chỉ đầy hổ thẹn vì nỗi cô đơn không biết tại sao mà thừa kế, để còn giãi bày.
Bạn tôi ngồi trơ không ngủ được cạnh cái đàn guitar sứt mẻ sau khi chơi một bài quá dở và tôi bỏ về trong đêm mặc những van nài, một cơ hội cũng không cho phép bởi vì nếu tôi ở lại tôi sẽ phá nát hết những đường biên, và cái giá phải trả quá đắt so với tình ích kỷ.
Bạn tôi hỏi mày gửi cho tao bức thư nói rằng mày yêu thích sự dịu dàng của tao để làm gì, tôi thì biến mất hơn tám năm trời, chỉ trả lời khi đột nhiên nhớ ra những cuộc đời đã cũ.
Bạn tôi không hỏi tại sao tôi hứa về cùng chở nhau đi phượt trên con xe hon đa giống như hồi mười bảy tuổi, chạy trong mưa, nhớ giọng nói của nhau dù bao nhiêu năm không gọi điện, mà khi về cuối cùng lại đi yêu con gái nhà người ta.
Bạn tôi trở thành loại người giàu bạc nhược và hung hăng, tấm ảnh cuối cùng chụp chung với nhau vẫn còn giữ trong bìa sổ, để gặp ai quen tôi thì lại đem ra kể.
Bạn tôi hai đứa ngồi im lặng trong suốt các chuyến đi, không kể gì về đời, chỉ ngồi tiếp tục cuộc đi chơi mỗi nửa thập kỷ.
Bạn tôi lấy người chồng vô tri tối đi ngủ với những giấc mơ vỡ vụn bởi vì người mẹ yếu đuối và người cha thô thiển.
Bạn tôi thèm khát tuổi trẻ và sự tự do còn mua còng bằng tiền tự kiếm, dùng những đứa con xinh xắn để khoá lại bản thân.
Bạn tôi chọn đàn ông mà bụng dùng dằng toàn bướm bay trong hơi người nữ. Bạn có quên được không, bạn đã quên rồi sao?
Bạn tôi điên rồ và kiệt quệ để tang người lạ như con mình.
Bạn tôi chảy nước mắt vì tình, trong vọng tưởng của họ có kẻ xinh đẹp ma mị rù quến đã luôn nhập vào những người nữ khác trần truồng trước mặt.
Bạn tôi tước lời tôi nói ra đeo vào lưỡi mình, tìm cách giải thích bản thân bằng ngôn ngữ lọc lừa, không biết giờ đã tìm thấy được sự cảm thông hay chưa.
Bạn tôi yêu sự thèm khát của người nữ này dành cho người nữ khác, yêu sự thiếu hụt của người cha.
Người yêu tôi chỉ biết những gì kể được. Tôi chỉ muốn biết mình là ai. Tôi không mấy khi hỏi họ về cái chết, và chỉ đôi người tôi nói về ước mơ.