Sáu ngón tay của người phu đào mộ
Nguyễn Vũ Hiệp
- 1 -
Chuyện kể rằng cuối tháng Giêng năm 1918, khi những Tổ quốc còn non trẻ đang vươn đám rễ cây bằng chiến hào đi xa, xa, xa nữa khắp da thịt của trái đất xanh xao, vài người lính nhỏ bé đã âm thầm đi sang biên giới của lũ địch quân hung tàn, hai tay giương cao cờ trắng. Họ, tốp lính Đức đào ngũ để gia nhập Hồng quân mà Trotsky mới thành lập, trông như những hạt phấn hoa vô hình rơi trên tuyết mùa Đông. Trong bản báo cáo gửi thượng cấp, chỉ huy đơn vị Đức cho biết họ bao gồm hạ sĩ F. – đọc Schiller, nhưng nhiều quá; binh sĩ D. – có vợ gửi thư cho biết cô vừa mới kết hôn; binh sĩ S. – có tiền sử bệnh tâm thần; và học viên sĩ quan G. – bị kỷ luật vì vẽ ký hoạ trong bữa trưa làm việc quân chậm trễ. Ngược lại, trong bản báo cáo gửi thượng cấp, chỉ huy đơn vị Hồng quân cho biết họ bao gồm đồng chí F. – đọc Marx; đồng chí D. – phải lòng nhân dân và đất nước Nga; đồng chí S. – từng chứng kiến các vụ nhũng lạm của cấp chỉ huy đơn vị mình; và đối tượng G. – cần theo dõi thêm do tình nghi là gián điệp Pháp.
Tháng Ba cùng năm, Liên Xô ký hoà ước với Đức, quân Đức rút khỏi Nga để tập trung vào mặt trận phía Tây, và khát vọng hoà bình nảy mầm bên những chồi hoa hạnh. Để phân biệt ba đồng chí F., D. và S. với quân xâm lược Đức đang rút chạy khỏi chiến trường Moskva trong ô nhục, Hồng quân phát cho họ ba ngôi sao bằng thiếc để họ gắn lên mũ lông. Hai tuần sau, khi hoa hạnh đơm trắng ô cửa sổ của văn phòng đơn vị quân đồn trú, đồng chí Makowski nghe báo cáo về một vụ xô xát dân sự, trong đó thân nhân những người thiệt mạng trong cuộc chiến kêu gọi tấn công các binh sĩ đeo ngôi sao thiếc để trả thù. Vịn tay vào tủ sách trong văn phòng để đứng lên, vị chỉ huy gốc Ba Lan nghe nỗi lo trong lòng truyền sang các trang giấy ố.
Cái kệ gỗ rít lên kẽo kẹt, vài cuốn sách trượt sõng soài, còn ông thì đi đi lại lại. Các nòng súng đang nguội dần, làm nguội theo cả tình đoàn kết xuyên quốc gia giữa những người vô sản, và ông nghe có gì nguội đi mất trong lòng ông. Dưới rốn ông vang vọng một cảm giác xa xứ mà nhiều tháng nay ông quên mất, nhưng ông cũng nghĩ mình không nhớ quê hương hay gia đình. Đêm ấy, hé cửa cho gió lạnh tràn qua, ông thức đến ba giờ để đọc lại Ngôi Sao Đỏ của Bogdanov. Cuốn sách đưa ông về hành tinh màu đỏ, nơi những người sao Hoả văn minh có địa vị ngang nhau, tài sản bằng nhau, và mặt mũi cũng na ná nhau, cùng chung sống và tự do yêu đương.
Bảy giờ sáng, Makowski đính lên mũ mình một ngôi sao thiếc sơn đỏ và bước ra phố. Tháng Tư năm ấy, tất cả lính trong đơn vị ông đã làm theo. Sang tháng Năm, lính Hồng quân đội mũ sao đỏ diễu hành. Bốn năm sau, ngôi sao đỏ xuất hiện trên quốc kỳ của Liên bang Soviet.
Khi những người bạn cũ của Makowski nhắc lại vai tuồng ông đóng trong chuỗi biến cố vừa nêu, ông sẽ ngắt lời họ một cách bực dọc. Họ không hiểu, họ không đọc Ngôi Sao Đỏ, và dù chẳng may có, họ cũng sẽ không đọc theo cách như ông. Hồi trẻ, cuốn sách giúp ông dễ ngủ, nhưng hôm nay, nó làm ông mất ngủ vì những chương cuối cùng. Càng về sau, ông càng bận lòng về những đoạn văn tiết lộ người sao hoả âm mưu xoá sổ con người – loài ích kỷ mà họ xem là ở nấc thang tiến hoá thấp hơn – để chiếm trái đất.
Thế mà mỗi sáng đầu tuần, ông cứ phải đứng chào cờ dưới ngôi sao đỏ. Ông không ngán ngôi sao trên mũ mình, vì khi đội mũ ông sẽ không thấy ngôi sao; còn khi đứng trước gương ông luôn ngả mũ như cách ngày xưa người ta cúi chào: nhìn tôi xem, chưa có ngôi sao thiếc nào ghim lên những nếp nhăn của vầng trán hói. Nhưng lúc chào cờ, thì ông không trốn đi đâu được. Lúc điểm danh những hàng người đính sao trên mũ sắt cũng không. Lại càng không, những lúc ông đi gặp lãnh đạo – có vị đeo 16 ngôi sao trên ngực và vai áo của mình, nếu ông đếm không nhầm. Có lần nhìn vợ đếm những hộp thịt có nhãn in sao đỏ trong những ngày khó khăn, ông buột miệng nói rằng biết đâu khi mở hộp, em sẽ thấy mỗi con lợn đều có vị khác nhau, cũng như mỗi người lính anh từng gặp, cũng như mọi ngày anh và em từng sống.
Ông mừng, và lo, vì hôm ấy vợ ông nấu nhiều thịt hơn thông lệ. Vợ ông mừng vì thứ thơ ca bếp núc mà bà cho là kỳ quặc mà cảm động của ông, nhưng bà cũng lo vì ông đang trở nên giống ông hồi trẻ. ‘Lạ thật, thế mà anh cứ nghĩ là anh đang già đi’ – ông làu bàu trước khi tắt đèn ngủ và chìm khuất vào đêm. Nhưng từ hôm ấy, ông chăm chỉ đến thư viện hoặc hiệu sách để tìm tiểu thuyết hoặc thơ, nhất là vào mỗi tối thứ Hai hằng tuần – ngày ông phải chào cờ, duyệt binh, gặp lãnh đạo, tất cả trên cùng một đĩa.
Makowski nghỉ mất sức khá sớm so với các bạn đồng lứa của mình, phần vì số sách ông có thể chọn ngày càng ít đi, phần vì tiền lương hưu của ông cũng khá hơn nhiều so với họ. Càng về già, cảnh sống an nhàn và có phần cô lập nơi thôn dã càng làm ông lẩm cẩm hơn. Vào một buổi chiều mà hoa hạnh rụng trắng sân nhà, mang theo cả những cuống hoa hình ngôi sao màu mận bé xíu, Makovski lững thững bước ra cửa và nói với hàng xóm rằng ông sắp đi Nga. Ông bước qua cây cầu nhỏ, rồi khuất dần về phía những đám mây, và tối đó vợ ông đơm một đĩa súp để dành, nó cứ nằm lạnh trên bàn ăn cho đến sáng.
- 2 -
Chẳng thèm rửa mặt, cũng chẳng cần ăn uống, Misha choàng vội tấm áo khoác ngoài rồi mở cửa nhà. Y bước ra ngoài nắng tháng Tư, mang theo cái ngáp. Theo lối mây hành hương qua bầu trời xanh thẳm, y khua bước trên con đường thôn dã câm lặng dẫn đến nhà thờ nhỏ cạnh thị trấn kề bên. Khi những bóng mây đi khuất vào những ngõ nhỏ ven đường, còn lại y một mình bước trên cỏ xanh, băng qua đồi rồi qua đồi, cho tới khi trông thấy đằng xa ngôi nhà thờ gỗ nhỏ ngủ bên hồ nước.
Mùa Đông năm ngoái, y đã hạ cây thánh giá trên đỉnh tháp chuông, và sang mùa Xuân này, chỗ đó bỗng mọc lên một ngôi sao đỏ. ‘Trông như cây thông Giáng sinh’ – Misha nghĩ thầm nhưng không nói. Trong giáo đường tối tăm vẫn vậy, y nghe mùi gỗ mục chăng kín các hàng ghế thấp như những mạng nhện mùa xuân. Nhưng bục giảng không còn những ông lão râu dài, mà chỉ có Nadia, cô giáo được bổ nhiệm từ Petrograd.
Nadia không ban Bí tích Thánh thể, nhưng y từng uống rượu và ăn bánh với cô trong buổi liên hoan hôm trước. Trong cơn say bung biêng, y nói với linh mục – lúc này đã cạo râu rất gọn – rằng rượu và bánh Thánh chưa bao giờ giúp y thấy hoà vào đấng trên cao. ‘Chắc tại anh uống chưa đủ nhiều đấy’ – cô giáo nói, và cả bàn sằng sặc cười. Cựu linh mục cũng cười, bằng hốc mắt trũng sâu, và ông ta kể rằng mình từng lén uống nửa chai máu Chúa chỉ để được gần Ngài – khốn thay đó là cách hiệu quả nhất.
Hôm ấy, mọi người hoà làm một trong rượu, và hôm nay, họ hoà làm một trong ngôi sao đỏ. Dưới những vệt nắng mờ ảo chiếu xiên qua mấy ô cửa sổ nhỏ xộc xệch, giọng nói vang như kèn đồng của Nadia ôm ấp những hàng ghế tối đen, khi cô kể rằng năm cánh sao tượng trưng cho năm ngón tay trên cùng một bàn tay – bàn tay lao động của năm giai cấp kề vai là công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, trí thức – ở cả năm châu lục có người sinh sống là Châu Âu, Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ, Châu Đại dương… Giữa thánh đường, mắt Misha sáng như sao, những mạch máu trên đôi tay y rung lên rần rần, và y thấy những nông cụ mà mình vứt trong kho cũng đang ngân lên khi được kết nạp vào cái trật tự thiêng liêng của số Năm – con số đúc nên muôn sao trời chăng ngang Thiên Đường giờ đây gần gũi. Chiều tối, khi ra về dưới ánh sao tiền định, y nhìn về chân trời xanh tím phía Tây, phía Moskva. Nơi ấy, ngôi sao đỏ đang sáng bừng, nung trũng những phố phường rải rác tháp đồng hồ bặt tiếng chuông, và nâng các bình nguyên Nga cao đến sát Thiên Đường: lòng người mọi nơi đang đổ về Moskva như những suối tuyết tan trong mùa Xuân lộng nắng.
Băng qua mái đầu trần của Misha, mặt trời hôm ấy lăn về phía Tây, để lại Moskva một hơi ấm tàn trước khi rơi xống biển. Đêm xuống, mặt trăng cũng lăn theo, và Lenin thấy trăng lăn quá nhanh qua đời mình, khi một ngày vuột trôi mà ông chưa kịp sống. Năm giờ sáng, khi quả cầu tuyết trên núi mây phía Tây tan thành buổi rạng đông màu lam nhàn nhạt, ông nghe trăng nứt thành một tiếng còi tàu vọng đến từ xa. Có cái gì đó đang đi mất trong những con tàu chở lính, trong tờ lệnh trưng thu lương thực mà ông vừa ký tên, trong tin tức về những cuộc nổi loạn của phú nông đang từ khắp nơi túa về – trong lọ mực mới mở chiều qua mà sáng nay ông dùng hết.
Bỏ lại những trang giấy chưa khô, Lenin tắt đèn và ngả lưng trên trường kỷ lạnh.
‘Còn lại việc của Inessa’. Suy nghĩ ấy khoét trên gương mặt căng cứng của ông một nụ cười nhăn nhó, nhưng dù sao nó cũng là cười – ông nghĩ thầm.
Inessa… Inessa… Mấy tháng trước, khi những ngôi sao đỏ mọc lên như nấm trên mũ của anh em binh lính Moskva mà chẳng ai biết tại sao, Yakov đã nghĩ ra, nội trong một bữa trưa, cái kế hoạch ly kỳ để biến biểu tượng trên trời rơi xuống này thành vũ khí tuyên truyền cho Cách mạng. ‘Năm cánh sao tượng trưng cho năm ngón tay của người lao động, cho năm châu lục đoàn kết…’ – anh chàng huyên thuyên với đĩa súp đang dần lạnh, không để ý rằng cái đĩa của ông bạn Ilyich đã được dọn đi. ‘Và cũng tượng trưng cho năm tầng lớp tham gia Cách mạng nữa’ – Yakov cười.
‘Tôi tưởng chỉ có bốn thôi, công, nông, binh, trí thức…’ – gia chủ nhướng mắt.
‘Nhưng chúng mình đã lập uỷ ban thanh niên, cậu quên hả?’
Yakov hồn nhiên năn nỉ, đúng lúc một tiếng leng keng cáu kỉnh từ trong bếp vọng ra, nhắc Ilyich rằng đã đến lúc ông bạn thân ăn nhanh lên để còn ra về; thế là họ thống nhất ngay với nhau rằng thanh niên là một trong năm giai cấp đi theo cách mạng. ‘Trong khi nó còn chẳng phải là một giai cấp’ – Ilyich chặc lưỡi nghĩ. ‘Nhưng sao mình dám kể chuyện này với Inessa?’. Đồng chí Inessa Armand, phó chủ tịch tự phong của Ủỷ ban Phụ nữ chưa thành lập, đang muốn công nhận phụ nữ là một trong sáu tầng lớp ủng hộ cách mạng, ngang với tầng lớp thanh niên có phần hơi đáng ngờ. ‘Ước gì Yakov chàng Do Thái đòi dùng ngôi sao sáu cánh thay vì năm, ước gì nhân dân Nga mọc thêm một ngón tay cho thành sáu, ước gì Inessa nghe mình kể những chuyện kỳ khôi thế này như hồi trước – ước gì mình có thể kể. Nhưng chúng mình hoạt động bí mật quá quen rồi, Inessa…’.
Với những suy nghĩ mơ hồ lang thang ấy, Vladimir Ilyich Lenin chìm vào giấc ngủ, đúng lúc những ngôi sao đỏ bước đến chuồng bò nhà Misha, và bí mật đếm lũ bò khi gia chủ còn đang say giấc.
- 3 -
Trong phòng khách đang tối dần của linh mục Cyril, chiếc TV màn hình tinh thể lỏng cũ kỹ khảm lên tường những vệt sáng màu vỏ trai huyền ảo. Từ góc trái màn hình, nhiều vết nứt li ti vươn dài như những đường gân, khiến hình ảnh quanh chúng bị nhiễu sắc thành cầu vồng – vì vậy một nửa màn hình nom như cánh bướm đêm nhiệt đới. Phần còn lại của màn hình – không có màu nào khác ngoài đen, trắng, ố vàng, và cháy sạm – trưng ra bức ảnh sáu người đàn ông được treo cổ một cách rất ngay ngắn trong khoảng sân rộng của một uỷ ban. Dòng chữ tiếng Nga trên tấm biển đeo trước ngực cho biết họ là những phú nông kulak, kẻ thù của nhân dân; thế nên họ đều gục đầu nhìn xuống mũi chân mình, phần vì hối hận, phần do đã chết.
Sáu thân người trong bức ảnh đứng yên, còn cặp loa khuất sau cánh bướm đêm nhiệt đới thì cứ rung bần bật. ‘Các đồng chí!’ – nó kêu gọi – ‘Cuộc nổi loạn của năm quận kulak phải bị trấn áp thẳng tay!’. Cyril cầm điều khiển TV để thu nhỏ âm lượng – ông sợ những lời nói to hơn tiếng xưng tội thì thầm. ‘Vì lợi ích của Cách Mạng, chúng ta buộc phải hành động… Hãy treo cổ, trước sự chứng kiến của đông đảo nhân dân, không dưới một trăm tên kulak, bọn béo phì, bọn hút máu…’ – Cyril khóc. ‘Hãy làm điều đó theo cách sao cho dân chúng trong vòng hàng trăm dặm đều biết đến, đều run rẩy hét lên:…’ –
Những bức ảnh đen trắng biến mất, nhường chỗ cho cái cà vạt màu lam thẫm của chàng phát thanh viên đang cúi đầu:
‘Bọn kulak hút máu đang bị treo cổ và sẽ bị treo cổ!’
Phát thanh viên cụp mắt im lặng thêm hai giây, nom như bức tượng thiên thần than khóc. Rồi chàng ngẩng đầu, nhìn thẳng vào mắt khán giả tưởng tượng bên kia ống kính máy quay. ‘Tôi vừa đọc chỉ thị được Lenin ký vào mùa hè năm 1918, khi ông ra lệnh treo cổ những phú nông từ chối nộp lương thực cho chính quyền để giúp giải quyết nạn đói sau Cách mạng Tháng Mười’. 15 năm thanh trừng, 400.000 phú nông bị hành quyết, gần 400.000 người khác chết trong các trại lao động cải tạo,… – thiên thần đếm nhanh những cái xác. ‘Solzhenitsyn cho rằng có 6 triệu người chết, nếu tính cả những người chết do nạn đói xảy ra do cuộc thanh trừng phú nông’. Cyril tắt tiếng TV – 6 triệu lời xưng tội lặng câm làm ông thủng màng nhĩ.
Những hoạ tiết trên cánh bướm đêm vụt thay đổi, trưng ra tờ lệnh mà Lenin ký tròn 100 năm trước, năm 1918. Rồi một buổi treo cổ khác, một buổi khác, lại một buổi khác… nối đuôi nhau hiện lên. Dụi mắt nhìn kỹ từng bức ảnh, Cyril ngắm các tử thi được treo ngăn nắp như xếp hàng, trước đám đông nhân dân đến xem cũng đang xếp hàng. Trông như họ đang chờ đến lượt mình, suốt mười năm – ông thầm nghĩ. Những ai ngẩng đầu nhìn trong bức ảnh trước, nhưng sang bức sau sẽ thành người cúi đầu bị nhìn nhỉ? Chịu không biết được, vì người chụp ảnh đã khéo đặt máy ở xa để bao quát đám đông, khiến máy không ghi rõ gương mặt cụ thể nào, mà chỉ ghi lại những thân hình khẳng khiu như năm ngón tay trẻ con dùng để tập đếm. Theo Cyril thấy thì một khi đã lên ảnh, mắt, miệng, mũi của cả người sống lẫn kẻ chết đều được giản hoá thành những đốm đen nhỏ, chẳng rõ cười hay khóc, nom như những vết bẩn rơi ngẫu nhiên lên nền giấy trắng hoặc những hốc ngẫu nhiên mọc trên cái đầu lâu. Ảnh đen trắng đúng là một thứ quan tài rẻ tiền, được phát minh để chôn cất các tập thể của thế kỷ XX; và Cyril thấy mắt đôi ông chạy trốn sang cạnh trái màn hình, nơi chúng bò lên cầu vồng loang ra từ những gân cánh bướm.
Cánh bướm đêm khẽ lay chuyển, rũ sạch những hoạ tiết đen trắng ố vàng, để trả lại hiện tại cho Cyril. Thiên thần than khóc đeo cà vạt lam thẫm lần nữa hiện lên màn hình, nhìn thẳng vào người xem, và mở miệng. Như một vết nứt dài buộc những hình ảnh câm lặng phải phát ra tiếng nói, dòng chữ nhỏ chạy qua màn hình thông báo thành quả của luật Phi Cộng sản hoá ở Ukraine, mà Poroshenko ban bố đã được ba năm. Trên màn hình, thiên thần đã bỏ đi, và ống kính đang chĩa vào một tượng Lenin cụt đầu đứng bơ vơ trên một quảng trường vắng. Để tiết kiệm, chính phủ cắt bỏ đầu của bức tượng đồng, đúc cái đầu một anh hùng Ukraine rồi gắn lên đó; và sáng hôm sau thức dậy, cư dân thành phố thấy bức tượng quen thuộc đã rụng rồi mọc lên đầu mới chỉ trong có một đêm.
‘Bộ luật Ký ức’ – Cyril lẩm bẩm.
Khi cánh bướm điện tử rời khỏi công viên, để bay theo một đám đông đang gỡ phù điêu tạc ngôi sao đỏ khỏi bức tường toà thị chính, vị linh mục tắt phụt màn hình rồi nằm gục trên ghế nệm. Trên màn hình vỡ, ánh sáng chưa vội tắt hẳn: nó đọng lại thành từng vũng loang lổ giữa những vết nứt hình mạng nhện, nom như mắt côn trùng sa bẫy còn thoi thóp trong đêm. Nom như sao trời trên ngực áo… nom như những đốm sáng nhỏ mà cửa sổ buồng xưng tội hắt lên vách buồng…
‘Cha ơi, có phải hạt giống của quỷ làm tay con mọc thừa ngón không?’
Gã Vadim – mù chữ, ở cô nhi viện đến 18 tuổi, nay sống vật vờ ở rìa giáo xứ để người ta thuê làm việc vặt – đã run rẩy xoè bàn tay phải sáu ngón và hỏi Cyril như thế trong lần xưng tội cách đây hai tuần.
‘Cha ơi, có phải con sắp xuống địa ngục không?’
Hôm ấy, có người thuê Vadim đào mộ một cựu binh Thế Chiến II, để gỡ những huân chương hình ngôi sao khỏi ngực ông này, vì chẳng thể để ngôi sao Satan hiện diện trong nghĩa trang nhà thờ, nơi đất Chúa.
‘Cha ơi, giờ Chúa có nắm tay con không ạ?’
Sáng nay, Vadim hỏi thế, khi khoe bàn tay băng bó sau phẫu thuật, giờ chỉ còn năm ngón tay.
Không có ai đáp lại từ bên kia cửa sổ sáng mờ. Vì Cyril, quỳ trước Vadim, đang khóc và đưa tay nắm lớp băng gạc trắng.
Hôm sau, sau giờ kinh sáng, Cyril rảo bước trên ga tàu. Lòng nặng trĩu mây lạnh tháng mười ba, ông mua vé đi xa, đến nhà thờ chính toà để xưng tội. Chiều hôm ấy, ông gọi cho cô bảo dưỡng mà mình thuê để chăm sóc bố, và lo lắng hỏi liệu ông cụ đã lẫn có đập vỡ thêm đồ đạc nào ở nhà không.
‘Dạ không, hôm nay cụ ngoan lắm Cha ạ’ – cô tủm tỉm cười. Rồi cô kể chuyện sáng nay, khi cô mở laptop để săn hàng giá rẻ, ông cụ đã ngẩng đầu nhìn màn hình mà chào theo lối nhà binh, khi tưởng gian hàng được rate bốn sao là một ông Thượng tướng.
Nguyễn Vũ Hiệp
24.09.2024