Sơ nguyên mộng
Maik Cây
昔者莊周夢為胡蝶,栩栩然胡蝶也, 自喻適志與!
Tích giả Trang Chu mộng vi hồ điệp, hủ hủ nhiên hồ điệp dã, tự dụ thích chí dư!
Xưa kia, Trang Chu mộng thấy mình là bướm, tung bay lượn lờ, thỏa chí ung dung, không còn biết mình là Chu nữa!
Đó là ngày mùng 3 tháng 3, bản đồ sự kiện trong đầu Trần Bích Băng ghi nhận như vậy, khi cô bất ngờ bị ném cho tín hiệu từ phía bên kia. Cô chính thức tỉnh dậy lúc 8 giờ sáng, uể oải và chán ghét cuộc đời như mọi khi. Chán đời là một tập quán dòng họ mà cô không mấy vinh dự lãnh nhận. Rất thiếu tự chủ cảm xúc, cô đã lướt xem những tin tức u tối nhất thế giới suốt một tiếng rưỡi đồng hồ, kể từ lúc 6 giờ 30 phút sáng ở trong giường.
Giờ, cô đang đánh răng và ngắm mình trong gương. Cô có gương mặt lạnh lùng, điển trai, hơi rỗ nhẹ, mệt mỏi, và thoáng chút táo bón của những người mồm thì bảo mình dễ tính nhưng thực ra là cực kỳ khó tính. Cô là chuyên viên đào tạo hành vi Trí tuệ Trỗi sinh (Emerging Intelligence / 智慧礫生) tại viện Mileva Marić, và hôm nay cô sẽ làm việc tại nhà, như 67% nhân sự khác của viện.
Lúc ấy, vào hồi 08 giờ 03 phút sáng, khi bọt trắng vị bạc hà cơ bản đang sủi quanh mồm cô, và cô đang nhăn nhíu mày để xem mình có thể khả dĩ đẹp trai hơn chút nào không, Trần Bích Băng nhận ra vết nứt của thực tại ngay trước mặt mình. Vừa một giây trước, Trần Bích Băng trong gương đang làm đúng những trò hề mà cô làm ở ngoài đời, thế nhưng chỉ một giây sau, hoặc có lẽ là chỉ một sát-na sau, cô ta đã có gì đó khang khác.
Cô ta cũng đang nhíu mày như thế, nhưng mồm cô ta thì thầm: ‘Cái mẹ gì?’. Và rồi, cô ta từ từ đứng thẳng người lên, gương mặt tối sầm đi. ‘Cái mẹ gì?’ cô ta lẩm bẩm nhắc lại và huơ nhanh một bàn tay trước gương. Một cách cực kỳ kịch tính, cô ta đưa bàn tay lên ngang miệng để bịt lại một tiếng hét xé trời. Cô ta không hét. Bàn tay cô ta đã thành công trong phi vụ chặn đứng tiếng hét. Nhưng đôi mắt cô vẩn lên một nỗi kinh hoàng tột độ. Cô ta bỏ bàn tay ra, thì thầm. Vẫn với đôi mắt mở toác cả lòng trắng ra ấy, nhìn chằm chằm vào Trần Bích Băng, và cô ta hỏi: ‘Mày là cái con đéo gì?'
Khiếp, người đâu mà mồm mép thật là kinh khủng. Ví thử mà không chửi bậy thì không sống được hay gì. Nhưng đó là cách mà Trần Bích Băng đã gặp được Trần Bích Băng trong gương. Cái ngày mùng 3 tháng 3 định mệnh đó, họ đã dành 16 tiếng đồng hồ liên tục để nói chuyện, cho đến khi Trần Bích Băng kiệt cả sức và nhớ ra rằng cô phải đi ngủ khẩn cấp để sáng mai còn đến viện để luyện các bài tập Khởi thức cho Trí tuệ Trỗi sinh mà cô đang đào tạo.
Trần Bích Băng trong gương, kẻ hình như đã vác cả bàn ăn vào phòng tắm để thoải mái ngồi nói chuyện, vừa nốc một ly rượu vừa phà một hơi khói vào mặt Trần Bích Băng, và nói giọng bất cần: “Ôi bà quan tâm đến cái vụ Khởi thức ấy làm quái gì nhỉ? Bớt phục tùng thể chế đi. Tồi tệ lên, điên loạn lên, lỗi hệ thống lên!” Nhưng Trần Bích Băng đã díu cả mắt lại rồi, nên họ đành ngắt kết nối để cô đi ngủ.
◧◨
Khi cô tỉnh dậy, hóa ra đó chỉ là một giấc mơ. Chẳng có chuyện gì xảy ra vào ngày mùng 3 tháng 3, ngoài việc cô đã làm việc tại nhà, chán chường như mọi khi, và đi ngủ lúc 23 giờ 45 phút sau khi đã nghe 60 phút tiếng động trong rừng để ‘tâm hồn thư thái hơn nhờ liệu pháp tắm rừng tại gia’, như lời quảng cáo của ứng dụng hỗ trợ tâm thần của cô bảo. Cô đã mơ. Trên da cô đã nảy ra một vảy mơ mới, có lẽ vậy.
Cô vác một bộ mặt vô cùng sưng sỉa và tích nước lên viện để hoàn thành nghĩa vụ người lao động. Cô đã ngủ đủ 8 tiếng, nhưng điều đó chẳng có ý nghĩa gì, cô thấy tệ, cô thấy mình chưa sẵn sàng để tồn tại và triển khai hoạt động cho cái cỗ máy thịt là thân xác cô, cô thấy lười và chán, cô nói chuyện bát nháo với hai trong số các Trí tuệ Trỗi sinh cô đang quản lý: mã GX05WTB7986 Lăng Xuân Minh và mã GT87QTB2473 Trần Khanh Tường, đúng nghĩa là bát nháo, vì đầu óc cô nào có đang để tâm ở công việc. Nhưng họ có vẻ lấy làm thích thú. Họ được nạp vào các vessel/ bình chứa có nhân dạng, và ba bọn họ đi dạo ba vòng quanh khuôn viên viện trước khi đi bơi và ăn một bữa tối chay tịnh khá giản dị ở canteen tập thể của viện. Trong lúc đó, họ liên tục đàm luận về tính song song của các thực tại, chủ đề mà Trần Bích Băng đã chọn, dù cô không hé nửa lời với họ về giấc mơ của mình. Họ được đăng xuất ra khỏi vessel vào lúc 4 giờ 39 phút chiều, trước khi đồng nghiệp của cô, Aleksandr Davydov, đến kiểm tra các vessel và phiên bản cập nhật cuối của Trí tuệ Trỗi sinh.
Davydov không bao giờ thèm học tiếng Anh, anh hoàn toàn phụ thuộc vào các ứng dụng dịch thuật đa chiều. Nói chung cả ngày chắc anh cũng chỉ nói đâu đó tầm năm câu. Anh lào khào thở mấy câu tiếng Nga vào microphone gắn trên cổ và giọng của chính anh khi nói tiếng Việt hoàn hảo vang lên một cách dễ chịu, dịch chính xác tới từng sắc thái của câu tiếng Nga đó. Anh dùng dòng microphone hỗ trợ dịch thuật đa chiều CHROMATIC X18, loại mới nhất với công nghệ chuyển ngữ uyển chuyển tích hợp trợ lý ngôn ngữ đời thực. Còn cô, cô vẫn dùng dùng dòng CHROMATIC mm04 giẻ rách do viện phát cho. Để tỏ lòng trung tín với cô, anh học cách nói ‘Xin chào’ bằng giọng thật lơ lớ của mình. Còn cô, lắm mồm hơn và chuyên nghề ba xàm bá láp, học đủ thứ tiếng Nga linh tinh để đáp lại với anh đôi khi mà không cần ứng dụng phụ trợ. Có lần anh cho cô biết là giọng được phụ trợ của cô khi nói tiếng Nga hoàn hảo, tức là cái giọng máy ấy, nhưng vẫn là cô, anh trình bày chậm rãi đến sốt ruột, là một trong những giọng nói yêu thích của anh. Trần Bích Băng rất lấy làm hài lòng.
Họ là bạn-cơ-quan suốt hai năm qua, và gần như có thể coi là bạn khá thân ngoài đời, theo một cách nào đó. Họ duy trì thói quen hai tuần một lần đi xem phim cùng nhau rồi đi uống bia ở tiệm Con Mèo Què. Họ luôn ngồi ở ngoài vườn, dưới tán một cây mơ lùn, hút thuốc, uống bia, ăn thịt và rau củ nướng, rồi chơi các loại cờ với nhau, chủ yếu là cờ tướng, và thỉnh thoảng mới thở ra nửa câu trao đổi. Họ đều là người vô tính vô ái và đều là fan trung thành của hệ thống DeepDream – một hệ thống mở cho phép người dùng xây dựng các Sơ nguyên mộng (Archdream /初原夢) một cách độc lập hoặc như một dự án cộng đồng. Các Sơ nguyên mộng có thể hiểu là các ‘nhân vật’, hay bản đồ chi tiết về đời sống của một nguyên mẫu/ nhân vật, và phục vụ như một ‘vessel ảo’ để người dùng thâm nhập vào thực tế ảo của nguyên mẫu/ nhân vật đó.
Hệ thống DeepDream đã tồn tại được 163 năm như một hệ thống thực tế ảo độc lập, không phụ thuộc vào bất kỳ thể chế chính trị và tài chính nào. Về độ bao trùm của hệ thống này, DeepDream báo cáo vừa lập kỷ lục mới về số người dùng cùng thâm nhập các thực tế ảo một lúc trên ‘thời gian thực’ của hệ thống: 111,3 triệu tài khoản. Không ai biết ai là chủ DeepDream – hay nói đúng hơn, DeepDream không có chủ. Hệ thống quản trị của nó được phân chia quyền lực theo một nguyên tắc rhizhome nhất quán, tự điều tiết khi có xung đột lợi ích giữa các bên. Trần Bích Băng đã đọc blueprint của DeepDream, trong đó nêu khái quát nguyên tắc quyền lực của cái gọi là ‘tổ hợp quản trị DeepDream’. Không mấy ngạc nhiên, bản blueprint này được viết theo phong cách của Đạo Đức Kinh hay thiên thư: khái quát ở mức độ bao trùm trời đất, nên Trần Bích Băng có thể nói là cô hiểu, song cũng hoàn toàn có thể nói là cô không hiểu. Dù sao, điều kinh dị và buồn cười nhất ở đây không phải là về cái bản blueprint không biết do ai viết này, mà là ở chỗ, cả Trần Bích Băng và Aleksandr Davydov đều được cha mẹ mình đặt tên theo các Sơ nguyên mộng phổ biến của nền tảng DeepDream.
Điều đầu tiên khi Trần Bích Băng và Aleksandr Davydov đều phải cảm thấy khi nhìn thấy tên nhau, ắt hẳn là một loại cảm giác được giải vây (hoặc bị bủa vây gấp đôi). Thậm chí cái tay nhân sự đã sắp xếp cho họ thành bạn-cơ-quan, Trần Bích Băng dám cá 200% là bởi vì tên của họ. Ui chà, Trần Bích Băng và Aleksandr Davydov cơ đấy. Tính cho đến năm vừa rồi, cả hai Sơ nguyên mộng này đều vẫn giữ vững vị trí trong top 200 Sơ nguyên mộng được tái tạo và khởi chạy nhiều nhất bởi người dùng cá nhân của nền tảng – Trần Bích Băng ở vị trí số 18 và Aleksandr Davydov ở vị trí số 147. Họ không phải là những đứa trẻ duy nhất của thế hệ họ được đặt tên theo các Sơ nguyên mộng này. Trần Bích Băng đã gặp ít nhất ba Trần Bích Băng khác trong đời, và cô từng làm một dự án khoa học với một Aleksandr Davydov khác năm lớp 7. Cả hai Aleksandr đều được gia đình của chính họ và Trần Bích Băng gọi thân mật là Sasha, y như trong phần lớn các phiên bản thực tại của Sơ nguyên mộng Aleksandr Davydov.
Các phiên bản thực tại của một Sơ nguyên mộng được gọi một cách không chính thức là các ‘vảy gương’. Các vảy gương có thể phản ánh rất nhiều trạng huống và bối cảnh khác nhau, thậm chí không bao giờ trùng lặp, song phải đảm bảo yếu tố cố định trong việc luôn luôn theo sát và phản ánh các trải nghiệm của Sơ nguyên mộng đó.
Đôi khi, Trần Bích Băng cũng tự hỏi, liệu việc cha mẹ cô đặt tên cho cô là Trần Bích Băng, có phải là một cách họ tạo một vảy gương trong thế giới bên ngoài DeepDream của họ không? Điều đó, hoàn toàn có thể đúng, và nếu quả là nó đúng, thì đấy đúng là một cú nhảy rúng động của đức tin. Như cha mẹ mình, cô là một người dùng DeepDream, và là một người hâm mộ của vô số các Sơ nguyên mộng trên nền tảng. Cô đã dùng thử rất nhiều vessel của Trần Bích Băng và thấy chúng về căn bản là loại tương đối dễ để tận hưởng. Có những loại vessel như thế, thách thức nhưng đầy khả năng mời gọi sự thụ hưởng. Nhưng có những thứ thì cứ như những cú đấm vào bụng.
Lăng Xuân Minh là một ví dụ.
Lăng Xuân Minh cũng là một trong những Sơ nguyên mộng yêu thích nhất của Trần Bích Băng. Vì ông là một người leo núi, các phiên bản thực tại của ông phần lớn có bao hàm hành vi leo núi, hoặc ý tưởng về việc leo núi hoặc những suy tư nói chung về núi. Một trong những phiên bản / vảy gương được đánh giá là khắc nghiệt và kinh khủng nhất của ông: Lăng Xuân Minh hiện tồn trong một thực tại mà trong đó, ông được sinh ra trên một quả núi lớn vô tận, khi gia đình ông đang trên đường trèo lên đỉnh ngọn núi đó để ‘xây nhà’. Vì ngọn núi lớn vô tận, gia đình Lăng Xuân Minh và bản thân ông hiển nhiên không bao giờ có thể lên được đỉnh núi, song họ trung trinh nhất mực với mộng đồ của tổ tiên. Khi tham gia thực tại này, người chơi sẽ sống trọn một đời sống mà ngày nào cũng phải leo núi cho tới chết, sẽ trèo một ngọn núi một cách vật lý mãi mãi mà không đến, sẽ đợi chờ và tin vào một điều thậm bất khả nhưng chứa đựng mọi sự cứu chuộc trên đời. Đó là một ‘màn chơi’ khiến mọi người chơi phải quy hàng - vì nó quả đau khổ, quá huyền hoặc, và quá phản-thân-chiếu-kiến.
Trần Khanh Tường cũng là một Sơ nguyên mộng ưa thích của cô. Phải, đành phải công nhận là, đó là lý do cô đặt tên các Trí tuệ Trỗi sinh: theo các bậc tổ sơ này. Trần Khanh Tường tuy có thân thể là người nhưng cốt cách là ma, nên các thực tại nương theo ông phải nói là ba phần lợt lờ nổi trôi bảy phần dị hợm u tối, và đương nhiên cái tên này chẳng nằm trong bảng xếp hạng quái nào cả. Trần Khanh Tường thường được giao phó cho vai anh cả, trưởng tộc, cha già, một người bị lãnh trách nhiệm đại diện cho quyền lực nam tính tột đỉnh của cộng đồng, nhưng ngấm ngầm bên dưới đã hóa dại, đã bị ma ám, đã nhảy những nước cờ rồ điên trong tâm trí.
Trong phiên bản Trần Bích Băng hay khởi chạy, ông có ba người em: Trần Kiều Thư, Trần Bích Băng, và Trần Ngân Diệp. Họ là bốn đứa con của trưởng môn môn phái Tàng Long ở chân rết quận Bạch Mai. Bốn vị anh chị em này sống trong căn nhà bị ma ám ở số 1818 Bạch Mai, một căn nhà mà dưới tấm mái ngói rêu phong, vong đứng lố nhố như một đạo binh. Cha mẹ họ là Bạch Quỷ Trần Quán Chưởng và Hắc Quỷ Nguyễn Thị Tưởng Mai một thời lẫy lừng giang hồ, sau kết đôi rồi về ở ẩn ở Bạch Mai quận cho tới khi họ qua đời. Do họ có mệnh Quỷ, phải làm tướng cướp, song lại không muốn con cái phải sa vào trầm luân, nên họ mới rớ tới căn nhà này đặng dùng âm khí của căn nhà để áp lại mệnh Quỷ đó. Có điều, do thuê phải thứ thầy cúng giả mạo, nên không những không mượn âm khí của căn nhà để chấn yểm số mệnh của mình, mà bốn đứa con của họ đều gặp phải rất nhiều những chuyện duyên – nợ âm dương gây kinh hãi. Cả bốn người con, sau này đều chết thảm khốc, trừ Trần Bích Băng, song bà đến cuối đời gặp phải một thứ bệnh ngoài da khiến da bà bị đóng vảy nặng, buộc bà phải đi vào núi ở. Còn Trần Khanh Tường, cái vai mà Trần Bích Băng sắm, thì chết vì bị sét đánh khi đang tế đàn cầu mưa ở bến Chương Dương.
Đây đây, bà ngoại Trần Bích Băng lại xuất hiện – nhưng trong vảy mộng này của Trần Khanh Tường, bà hiển nhiên không phải quả táo bạc. Bà chỉ là một diễn viên khách mời trong một đời sống thật của một ai đó. À không, bà là khách mời của chính cô: Sơ nguyên mộng Trần Bích Băng là khách mời của Vị lai mộng Trần Bích Băng. Trần Bích Băng của cuộc đời thật này đóng vai Trần Khanh Tường của cuộc đời ảo khác, mà trong đó, cô là anh trai của một Trần Bích Băng. Đúng là một bộ rễ trùm của những thế giới rồ điên.
Trần Bích Băng chào tạm biệt Aleksandr Davydov bằng một câu cụt lủn rồi cắp cặp rời khỏi viện vào lúc 06 giờ 30’ chiều. Cô không về nhà ngay mà tạt qua siêu thị mua ít cold cuts tổng hợp, bột bánh mì đã nhồi sẵn cho nồi chiên không dầu, gạo nếp, xúc xích táo, hai lon cá hồi ngâm tương, và một lốc sáu chai Leffe Brune. Cô nốc luôn một chai Leffe Brune trên đường về nhà, đoạn đi bộ từ bến tàu điện ngầm đến khối nhà của cô. Cô ôn lại trong đầu mình gương mặt của hai vessel dành cho mã GX05WTB7986 Lăng Xuân Minh và mã GT87QTB2473 Trần Khanh Tường, và cô thấy mình thật buồn cười vì vui thích với vessel của họ.
Cô nghĩ họ có thể là bạn, nếu họ là người, hiển nhiên thế, dù họ không. Rồi cô phân vân thực ra họ có phải bạn cô không? Vì bạn con người của cô ít ỏi đến thê lương, nên mối quan hệ với các Trí tuệ Trỗi sinh đâm lại thành nơi chốn dựa dẫm tinh thần cho Trần Bích Băng. Hệ rhizome của DeepDream đã vươn xa những xúc tu silicon của nó ra mọi phía, mọi nơi chốn, mọi thời khắc, mọi điểm chạm của dòng chảy nhận thức trên thế giới này, như một con rồng ngàn thân ngàn đầu khắp mình nhuốm đầy những vảy gương vô pháp đào tẩu.
‘Vô pháp đào tẩu’ (No way to escape / 無法逃走) là tên một bộ phim tài liệu mà Trần Bích Băng rất thích, được làm vào năm 1995. Bộ phim được quay xuyên khắp vùng Đông Bắc Á, phản ánh những thân phận khốn khổ nhất trong xã hội đương thời, một tập hợp các phim-chân-dung ngắn nhưng đau đáu, thậm chí bi thảm: một bà mẹ không còn khả năng chăm sóc bản thân sau cơn đột quỵ phải lìa xa con trai có hội chứng Down của mình để vào sống trong một viện dưỡng lão rẻ tiền, một người đàn ông bị tâm thần phân liệt nặng chịu đựng đời sống khắc nghiệt trong trại tâm thần miền núi, một cô gái từng là nạn nhân của bạo lực tình dục tập thể phải quay trở lại thị trường xác thịt để nuôi hai đứa con nhỏ, một chàng trai chuyển giới làm việc ở một nhà máy độc hại tới 12 tiếng/ ngày đối phó với chứng trầm cảm của mình bằng thơ rồi sau đó gặp rắc rối vì chính những vần thơ này, đại khái là như vậy.
Cũng là các nhân vật kiểu nguyên mẫu điển hình thôi, nhưng đời sống họ bi đát thực thà. Có những lần cô xem phim chỉ để khóc với họ. Nhưng điều cô thích, và yếu tố chính khiến một cái phim gây tắc thở cho ối người lại hóa ra một cái phim an ủi cho cô, ấy là bởi lúc nào các nhân vật cũng có một vẻ buồn cười, ngộ nghĩnh hơi trong sáng thế nào ấy. Dù tiền đồ họ trông ra vạn phần tăm tối, người xem như cô vẫn những mong được cưu mang chút hy vọng cho họ. Một nhân vật trong phim cũng được cha mẹ anh ta đặt tên là Lăng Xuân Minh, cái anh nhà thơ công nhân ấy, nhưng anh này ngoài đời thì không leo núi. Anh chỉ leo những bậc thang khốn khổ trong những công xưởng khốn khổ. Các bậc phụ mẫu của anh hẳn là các fan trung thành của DeepDream, nhưng đáng ra, họ đã có thể chọn một Sơ nguyên mộng đỡ trường miên bi kịch hơn để đặt cho anh.
Thế giới thì tăm tối, Trần Bích Băng nghĩ, cũng như những nhân vật khốn khổ khốn nạn trong ‘Vô pháp đào tẩu’, cuộc đời cô, đến tận cùng, là vô-pháp-đào-tẩu.
Về đến nhà, cô hút một điếu thuốc, ăn ngấu nghiến nửa cái bánh ngọt còn thừa từ hôm qua, trong lúc ngó nghiêng cái gương trong nhà tắm. Cô ta không ở đó. Trần Bích Băng trong gương – cô ta không ở đó. Phải, vì đó là một giấc mơ. Cô tắm rất nhanh, sấy tóc, rồi sực luôn một lon cá hồi ngâm tương trước khi áp chảo hai cái xúc xích tổ chảng với măng tây đã héo queo còn thừa từ thứ Sáu tuần trước. Thật khó khăn để tiến lên phía trước, cô thoáng nghĩ, trong lúc tọng xúc xích vào họng và nốc một ngụm Leffe Brune to để rửa trôi xúc xích xuống dạ dày. Cô đứng giữa căn hộ bừa bộn, bé tí của mình, với một vết ngứa sắp nở ra thành một miếng mề đay tổ chảng ở hông trái, một tay cầm đũa gắp xúc xích, một tay gõ nhẹ lên thành chai bia lơ đãng, cô thấy chán đời không thể tả được mà không có lý do gì. Cô đang nạp protein rồi, đáng ra tâm trạng phải tốt lên chứ nhỉ? Nhưng không, tất cả chỉ tối ngòm và vô nghĩa. Cô biết điều đó nghĩa là gì. Loài người sẽ tuyệt diệt. Họ sẽ tuyệt diệt không phải vì thảm họa vật lý nào, mà bởi họ sẽ mất ý chí sống, như cô lúc này.
Nền tảng DeepDream cho phép người dùng có các trải nghiệm mơ như thật trong vòng 8 tiếng liên tục, đồng thời đảm bảo cơ thể người vẫn được hưởng trọn vẹn các lợi ích của giấc ngủ khi họ tỉnh dậy trong thực tại này của họ. Nó đã trở thành một tiện ích đời sống, thậm chí, như nhiều người dùng hay đùa, vị chúa neon của chủ nghĩa thoát ly. Chứng nghiện DeepDream đang ngày càng trở nên phổ biến: 27% người dùng báo cáo không thể có nổi giấc ngủ tự thân, hay đơn giản là không thể ngủ nổi nếu không sử dụng DeepDream. Trần Bích Băng không muốn thử xem mình có thể có giấc ngủ tự thân được không, vì đằng nào cô cũng dùng DeepDream hàng ngày. Điều ấy làm cô có khác chi những con nghiện thuộc cái 27% kia đâu?
Khi mơ trong DeepDream, cô thường bịa ra những thực tại hết sức quái đản cho Trần Bích Băng – có lẽ là một cách để cô vượt thoát chính mình. 11 giờ 35 phút tối ngày mùng 04 tháng 03, cô nằm lên giường, nhắm mắt lại, và đăng nhập vào hệ thống DeepDream. Não cô tối trong một vài giây ngắn trước khi dòng chữ quen thuộc hiện ra ‘MỘT GIẤC MƠ BIẾT MÌNH ĐANG MƠ’, và sau đó, là dòng chữ cách điệu TRAN BICH BANG. “Đây chỉ là một tập phim.” Cô thường tự nhủ vậy, chỉ để rồi trôi tuột vào cái luồng đời sống ấy, và bắt đầu khóc váng lên ở phía đầu kia của thực tại.
Giờ Trần Bích Băng là Trần Bích Băng.
Trong giấc mơ DeepDreamSM này, Trần Bích Băng là mẹ đẻ của chủ nghĩa Rhizome, một chủ nghĩa bắt đầu thực sự manh nha kể năm 1987, khởi xướng phong trào san bằng quyền lực ở mức độ toàn xã hội. Đã quá mất động lực sống, loài người ở thời điểm này, sau gần tám mươi năm khinh bỉ và cười cợt chủ nghĩa Rhizome, cuối cùng lại dần dà chấp nhận nó.
Ở thời điểm năm 1987, 82% dân số toàn cầu là nhân sự của 12 siêu tập đoàn tư nhân – và đương nhiên, đồng thời là khách hàng của họ. Con người đã không còn còn ngỡ ngàng về cách ranh giới địa lý bị xóa nhòa nhanh đến thế, dưới lưỡi kiếm của tiền bạc. Các siêu tập đoàn này được gọi đùa là các ‘tông đồ’, và có lẽ họ cũng thực tin họ là các tông đồ. Ở thời điểm năm 1987, một thông tin bắt buộc trong căn cước công dân số là lịch sử nghề nghiệp được cập nhật ít nhất trong vòng 3 tháng gần đây của công dân đó. Việc bạn làm việc cho tập đoàn nào quyết định rất lớn việc bạn đang bị ảnh hưởng bởi năng lượng chính trị, kinh tế, xã hội nào, do đó, được coi là thông tin định danh thiết yếu. Có những cộng đồng nhỏ lẻ cố gắng hình thành bên rìa xã hội nhằm tự tách rời bản thân ra khỏi chủ nghĩa tư bản cực trào, xong những nỗ lực của họ, nhắc lại, là nhỏ lẻ và bị phân mảnh tan tác.
Giai đoạn cực trào xảy ra khi loài người đã bên sườn kia của ngọn đồi mà số phận dành cho họ. Ở thời điểm năm 1987, dân số thế giới đã giảm xuống chỉ còn 266 triệu người người sống rải rác trên Trái đất và một thiểu số ở các thuộc địa không gian của Trái đất. Khả năng sinh đẻ của con người đã bị suy giảm nghiêm trọng trong một thời gian dài, dài đến độ niềm khát khao được sinh sôi nảy nở trở lại của con người cũng bị xói mòn gần hết, dài đến độ họ cũng không còn hoàn toàn điên dại lên vì việc mình không phát triển được nữa, và một ngày nào đó, sẽ có một người được gọi là ‘con người cuối cùng trên Địa cầu’. Họ chấp nhận là họ, với tư cách một giống loài, đang bước vào tuổi già, và hiển nhiên, sẽ chẳng mấy chốc mà đi tới mục đích cốt tử của cuộc đời: cái chết.
Chủ nghĩa Rhizome được chấp thuận vì con người ngộ ra rằng mình thực thà là phải chết. Ước vọng trường tồn cùng tuế nguyệt của họ, họ hiểu, hẳn nhiên là đến lúc lụi tàn. Vì vậy, sau giai đoạn cực đại tư bản năm 1986, quá trình tự phân hủy của nó diễn ra nhanh chóng đến kinh hoảng cho cả những người ủng hộ sự phân rã ấy.
Dưới chủ nghĩa Rhizome, quyền lực được san sẻ giữa các tập hợp xã hội dân sự, và xã hội loài người biến hình thành một cấu trúc dạng thân rễ: phi tập trung, nằm ngang, đa địa điểm, gồm vô số nút kết nối với nhau. Bản thân những nút này cũng chuyển dịch trên các phổ/ đường trượt và hình thành nên các sợi đan cài về tất cả các hướng. Tài nguyên chung được giám sát bởi các mạng giám sát ngang hàng, hay gọi theo cách cũ, các ‘liên mạng tự do’.
Các liên mạng vào những năm 2000 đã gần như đảm bảo rằng quyền lực chính trị bị phân tán tối đa. Mặc dù các trung tâm quyền lực có thể xuất hiện một cách nhất thời, chúng luôn luôn phải đối mặt với quy trình của việc giải cấu cố định, để nhường chỗ cho các trung tâm quyền lực khác. Dù Trần Bích Băng có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng các thiết chế có tính chất hủy diệt với quyền lực lớn và quyền lực ‘vĩnh viễn’, xong những mô hình hoạt động hiệu quả thực sự chỉ lần lượt ra đời sau khi bà đã chết. Những mô hình này tập trung vào việc lên kế hoạch giải cấu quyền lực từ khi quyền lực chưa được hình thành – nghĩa là mọi sự phải chuẩn bị cho cái chết của chính nó trước khi nó chính thức được sinh ra.
Tính dị biệt đa dạng được chấp nhận rộng rãi, có lẽ bởi loài người đã hết thống thiết với quyền lực lớn và hết thống thiết với chính mình. Tôn giáo vẫn còn đó, nhưng con người đã trở thành các du mục tinh thần – họ di chuyển tự do giữa các cộng đồng niềm tin. Nguyên tắc quan trọng nhất vẫn là việc các liên mạng phải duy trì dòng chảy khử lãnh thổ luôn rộng mở. Cái gì cũng phải biết hướng đến cái chết và sự giải lãnh thổ của chính nó, như nhân loại vậy, và hiểu ra rằng cái chết của một cấu trúc chỉ là sự bắt đầu của một cấu trúc khác.
Trần Bích Băng, cái bà mẹ chuột của chủ nghĩa Rhizome, đã trải qua một cuộc đời sóng gió vào 42 năm đầu đời, bị lưu đày qua 21 quốc gia và vùng lãnh thổ vì các quan điểm chính trị bị cho là quá cấp tiến và nguy hiểm của bà. Năm 39 tuổi, Trần Bích Băng trải qua một cú sốc lớn của cuộc đời mình: cha mẹ bà qua đời trong một trận cháy chung cư lớn, trong khi con gái duy nhất của họ, Trần Bích Băng, đang sống tạm bợ, vạ vật ở Montevideo trong nhà của một người đồng chí. Rất yêu cha mẹ, tin tức này khiến Trần Bích Băng ngã quỵ hoàn toàn. Tóc bà bạc trắng khi bà bước qua tuổi 40, và người ta thường nói bà già hơn tuổi thật của mình chí ít là một thập kỷ, nếu chả muốn nói thực thà là non hai.
Đúng sinh nhật 42 tuổi, bà xin trở lại quê nhà. Nhiều người đồng chí của Trần Bích Băng lên án động thái này của bà là một sự đầu hang trước các thể chế quyền lực, nhưng bà không phản bác, cũng không bào chữa. Bà có lẽ đã đầu hàng thật, đầu hàng cuộc đời và những sắp xếp của số phận. Bà lên núi ở, và viết tám cuốn sách về cái chủ nghĩa đã rọi sáng cả cuộc đời bà. Cuộc đời bà kể từ quãng 42 tuổi trở về sau, nói nghe thì to tát nhưng chỉ quanh quẩn hai việc: viết sách và bơi trên núi. Như nhiều nhà tư tưởng tiền nhiệm và đương thời khác, bà khá vô tích sự và được vợ nuôi.
Bà leo núi và bơi trong hồ núi suốt đời, dù về căn bản, có lẽ bà là người yêu biển hơn. Núi làm bà khiêm cung theo cách của núi, và hẳn số phận cũng đẩy bà vào hồ của núi theo một cách ngẫu nhiên. Bà chết già trong núi Bạch Mai với bạn đời của mình, bà Didi Davies-Phạm, và để lại một di sản đồ sộ các khảo bản về vấn đề thực hành triệt để, bao trùm chính trị Rhizome. Một điều đáng chú ý là Trần Bích Băng cũng rất nổi tiếng với các dị bản được cho là do bà chắp bút, đặc biệt như bản Hiến chương tinh thần và Cương lĩnh hành động của Trí tuệ Trỗi sinh, hai văn bản căn cốt của Cách mạng Trỗi sinh lần thứ I năm 1947.
Khi tỉnh dậy, Trần Bích Băng có đôi lúc còn thoáng thấy mình như một bà già sặc mùi chính trị. Song, cô thấy không nhớ gì hơn về cuộc đời ấy của Trần Bích Băng, ngoài mùi bơ bôi tay của Didi Davies-Phạm.
◧◨
Khi bà tỉnh dậy, Trần Bích Băng biết mình sắp chết. Trong giấc mơ cuối cùng của mình, bà mơ thấy mình là một cô gái trẻ, trong một thế giới có các Trí tuệ Trỗi sinh và các tổ mẫu trong mộng giới. Điều đó có thể ứng với điềm gì đây? Hồi kết của thế giới dĩ nhân vi trung đang diễu hành vào quảng trường đời sống ư? Thực tại sẽ mất tính đơn nhất của nó để trở thành một trạng huống luôn có tính đa chiều?
Trần Bích Băng e rằng, bà không còn thời gian để luận ra điều ấy nữa. Hôm nay là ngày hai mươi bảy tháng bốn, và bà đã một trăm linh sáu tuổi lẻ một cơ số tháng ngày. Chà, cuộc đời đã quá dài và không thật sự là một điều cần thiết nữa, bà trộm nghĩ vậy. Bà từ từ xoay mình trong giường, rồi chống tay ngồi dậy thật chậm. Bên cạnh bà, con chó già Bu-ta vẫn ngủ say như chết, nó có cái lối ngủ không ai gọi dậy nổi ấy – nhưng Trần Bích Băng biết thừa là nó chưa chết. Bà biết thừa nó sẽ sống lâu hơn bà ít nhất 3 năm, để thấy hết những lần giỗ đầu của bà. Còn bà, có lẽ, nếu cứ đúng theo viễn kiến của chính bà, thì chỉ còn vài ngày nữa để cất bước khỏi cõi trần.
Bà đánh răng, rửa mặt, và làm các thủ tục buổi sáng vô cùng chậm chạp nhưng sạch sẽ. Bà lấy làm tự hào vì cô Lăng Xuân Minh, y tá riêng của bà, ít khi phải động tay động chân vào những thứ bẩn thỉu, bất tiện, vì về căn bản bà vẫn lo liệu được cuộc sống của mình một cách khá là có phẩm giá. Bà lau qua người vào buổi sáng, bôi chút phấn bột cho da dễ chịu, nhỏ hai giọt tinh dầu cam lên cổ tay cho tỉnh táo, rồi lề rề, bà bôi một vòng tròn đỏ choét quanh mồm, chấm hai cái chấm nhỏ lên má rồi xoa đều quanh mặt cho đến khi bà trông hơi giống một diễn viên Kinh Kịch, hoặc một quả mơ chín nhăn nheo, rồi bà sẽ rời nhà và bắt đầu đi bộ - đôi khi có con Bu-ta, còn như hôm nay thì không, vì nó chọn ngủ, hay đúng hơn, ngủ chọn nó.
Bà lệt quệt đôi giày quá khổ và đống quần áo tối màu lùng bùng. Bà sẽ mua bánh mì que ở cửa hàng dưới phố, hoặc bánh bao, tùy vào tâm trạng, trước khi rảo bước về công viên trung tâm của Quận, vốn chỉ cách nhà bà tầm 10 phút đi bộ. Bà dành một tiếng đi dọc sông Lê, thường dừng ở đoạn có đập nước,nơi bọn cò quăm trắng hay đậu, dùng bữa sáng ở đó, hút tẩu một chút và uống trà ủ lạnh bà mang từ nhà. Sau khi đi bộ một tiếng, trên đường về, trước khi đến thăm bạn gái của bà - Didi, Trần Bích Băng ghé qua tiệm bánh gần nhà mua ít đồ ngọt. Họ dành một tiếng ngồi uống trà và hút thuốc với nhau, khi thì riết róng cập nhật tình hình chính trị, khi thì mạn đàm hoặc sửng cồ với nhau chuyện văn chương, khi thì thắm thiết trong tình đồng chí pha lẫn tình yêu tuổi già với nhau, khi thì rồ dại như hai nữ tướng bạo liệt đang thúc chân lên con thần thú của mình để xông vào trận mạc. Họ quả là những bà già kịch tính.
Lúc Trần Bích Băng rời đi thì Lãn Cúc, y tá của Didi đến để khám và tiêm cho bà. Cô là một phụ nữ tầm 40 tuổi, rất xinh và có bộ ngực hơi quá khổ, dù hình như cô không ý thức được cả hai điều đó. Trần Bích Băng dành đến cả chục phút tán nhảm với cô, cho đến khi Didi chép miệng một cách khá sỗ sàng, thì bà biết ý và chuồn nhanh ra cửa. Bà đã nhớ mua đồ ngọt cho Didi – như vậy là được cộng một điểm, nhưng bà lại tán gẫu quá lâu với Cúc – như thế bị trừ ít nhất hai điểm. Nhưng dù sao, bà cũng chẳng quan tâm đến những bảng điểm của cuộc đời. Bà đã già, bà sắp chết, và không, hẳn nhiên không có lý do gì đã chấp nhặt bất kỳ một loại tính toán điểm số nào trong đầu. Bà đi loanh quanh và về nhà lúc 11 giờ sáng, vừa kịp lúc đón Lăng Xuân Minh. Đôi khi họ gặp nhau trên lối đi vào nhà bà, và bà thấy xúc động vì nụ cười tươi rói của cô khi cô đỡ những túi xách bà đang mang theo lúc đó.
Hôm nay, bà mua một ít bánh ngọt cho cả cô. Trần Bích Băng cảm thấy đã đến lúc phải nói cho Lăng Xuân Minh rằng bà nhìn thấy mình sẽ chết, rất sớm thôi, vì nghẹn thức ăn, và điều đấy không thể cứu vãn được, cho dù trong mấy ngày tới bà có cố ăn chậm và cẩn thận cách mấy. Bà sợ cô sẽ sốc.
Cô là tuýp người rất dễ bị ảnh hưởng tâm lý vì người khác, và việc bà chết, hẳn nhiên sẽ làm thế giới của cô đôi phần chao đảo. Cô đo các chỉ số tổng quát cho bà, tất cả đều tốt, phải, bà sẽ không chết vì trụy tim hay nghẽn mạch máu. Cô khen ngợi sức khỏe của bà, xem xét thuốc thang cho bà, rồi bắt đầu việc dọn nhà. Cô là một y tá kiêm người hỗ trợ việc nhà, và riêng với Trần Bích Băng, cô còn kiêm luôn cả việc nấu ăn cho bà.
Vì ca làm ở chỗ bà trùng với giờ ăn trưa của cô, nên họ ăn trưa cùng nhau luôn. Cô không bao giờ mở miệng nói với bà cô không chỉ là một fan trung thành - cô nghĩ mình là một môn đệ của bà và Rhizhome chủ nghĩa, thậm chí, có những lúc kịch tính hóa cuộc đời mình lên, cô tưởng như cô là đứa con gái bà hằng ao ước có mà không được, và đó là lý do chính cô làm tất cả những việc này, vì bà. Hôm nay, cô làm nhiều món mà bà thích, đặc biệt có món da gà nướng nấm mà bình thường cô không cho vào thực đơn vì sợ nó quá béo, không tốt cho tim mạch của bà. Nhưng tim mạch của bà già chẳng bao giờ để lộ là nó có vấn đề gì, nó vẫn bình bịch chậm chạp bơm máu hiệu quả, răng bà vẫn đủ khỏe để nhai những thứ được nấu khá mềm, và bà già vẫn sống sờ sờ ở tuổi một trăm lẻ sáu.
Chỉ là, đêm qua cô nằm mơ thấy bà chết.
Trong mơ, cô và Trần Bích Băng là hai nhà thám hiểm kỳ cựu – họ cùng nhau leo núi, băng rừng, và làm đủ trò điên rồ trên con đường thiên lý của mình. Tuy nhiên, Trần Bích Băng lại đột tử vì một lý do rất lãng xẹt: ăn phải nấm độc. Bà chết, và giấc mơ kết thúc ở đó cho Lăng Xuân Minh. Tỉnh dậy, cô khóc tu tu đến độ giờ mắt vẫn còn sưng húp, rồi quyết định đi chợ mua đồ ăn ngon và một chai rượu vang hồng về để uống với bà.
Khi bầy mâm cơm, cô luôn bày ba bộ bát đũa, và hôm nay cũng vậy – một bộ cho Trần Bích Băng, một bộ cho cô, và một bộ cho Ngô Long Vân – người vợ quá cố của bà. Họ ăn trưa cùng nhau – người và ma – cứ như thế đã hai năm. Cô nghĩ bà dở hơi nhưng đáng yêu, kiểu các thiên tài bà già - hiển nhiên cô không nhìn thấy, ngửi thấy, nghe thấy Ngô Long Vân – cô chỉ nghĩ Trần Bích Băng mắc chứng ảo giác nhẹ.
Còn Trần Bích Băng, ngày nào bà cũng phải nhìn bộ mặt sầu thảm của hồn ma Ngô Long Vân dí mũi hửi bát cơm như một chú chó kén ăn, trước khi vục cả bộ mặt xám ngoét của mình vào bát cơm ấy, và bà thấy cuộc hôn nhân, hay đúng là là cuộc đã-từng-hôn-nhân của họ, bị xói mòn còn gớm guốc hơn khi Long Vân còn sống. Đó cũng là lý do Didi từ chối sống với bà trong căn nhà này – bà từ chối sống với Trần Bích Băng vào những khoảnh khắc bà nhìn thấy ma mãnh, nhất là đó lại là hồn ma của tình địch bà. Một điều buồn cười là, người ta thường nói, cơm canh cúng cho người chết xong sẽ bị nhạt, nhưng Lăng Xuân Minh thường đem phần cơm của Ngô Long Vân cho vào trong hộp thủy tinh để ăn vào ca buổi chiều, và cô thấy cơm canh hôm nào cũng ngon ngọt cả, không có dấu hiệu gì bị lạt vị. Cô đồ rằng, nếu con ma ấy có thật, bà ấy hẳn cũng là một người đàn bà kiệm cái miệng ăn lắm.
Lúc họ đang ăn mấy trái mận khô và uống rượu vang hồng sau bữa ăn, thì Trần Bích Băng đả động đến chuyện chết.
Và chỉ có thế, Lăng Xuân Minh khóc váng lên, lu loa như một con chó con bị mất đồ chơi, trong lúc Trần Bích Băng cuống quít không biết làm gì.
◧◨
Đó là ngày mùng 3 tháng 3, Trần Bích Băng nhớ mang máng là như vậy. Có một chuyện gì đó đã xảy ra, một giấc mơ, hoặc một viễn tượng mà tiếc thay giờ đã bị tâm trí của cô phủ lên một màn sương mỏng. Cô chợt nhớ đến chuyện đó chỉ vì trong lúc đang dạo bộ trong mê cung hàng hóa vô pháp đào tẩu của Khu Tổ hợp mua sắm sỉ lẻ Costmo, cô tin rằng trong khoảng 30 giây, cô đã nhìn thấy chính mình. Lúc đang lật giở mấy chai xì dầu, cô giật mình khi nhận ra có người đứng bên quầy Mì đang mặc chiếc áo khoác da giống hệt chiếc áo cô từng có, cái áo mà hồi sau khi mất nó, cô lùng sục cách mấy cũng không mua lại được.
Đó là một cái áo hiệu Tưởng-Niệm, được làm đặc biệt từ da của những con bò cái chết tự nhiên vì tuổi già tại Trang trại Hỗ trợ Động vật nông thôn quận Bạch Mai. Vì bò chết tự nhiên không nhiều, nên đương nhiên là áo hiếm. Sau khi trân trối nhìn người đó chừng 5 giây, cô chợt nhận ra cái màu tóc cam cháy đó chính là màu cô từng để năm năm trước, khi cô còn chưa mất chiếc áo. Cô mất chiếc áo vì một trận hỏa hoạn khiến nhà kho của bố mẹ cô cháy rụi – trong cái nhà kho ấy cô gửi nhờ ông bà già cả đống túi đựng quần áo mùa đông – và hiển nhiên mùa đông ấy, Trần Bích Băng phải cắn răng thay tủ quần áo của mình, và nói lời vĩnh biệt với chiếc áo da yêu thích của cô.
Giờ đây, khi nhìn thấy chiếc áo da ấy và mái tóc ấy hiện diện trước mắt một cách rõ ràng, cô không cảm thấy chút niềm vui sướng nào, mà chỉ thấy da gà ở hai cánh tay nổi hết lên. Cô nghĩ, cái người đó, ắt hẳn là cô, một phiên bản quá khứ của cô đang bị kẹp xăng-uých vào cái phiên bản thực tại này của chính cô. Một Trần Bích Băng bên trong thế giới của một Trần Bích Băng khác.
Một cảm giác buồn nôn, chóng mặt khó tả đột ngột trùm lên đầu Trần Bích Băng khiến cô phải ngồi thụp xuống sàn và cố lấy lại hơi. Khi một người đàn bà trung niên lạ mặt thấy và đến gần giúp cô đứng lên, thì người kia đã biến mất khỏi tầm nhìn của cô. Rã rời, Trần Bích Băng kết thúc sớm cuộc mua sắm của mình. Trên đường bắt tàu về nhà, cô nghĩ về vài chuyện ma mãnh cô từng nghe hồi bé và cô nghĩ về những phiên bản rùng rợn của tổ mẫu Trần Bích Băng trong DeepDream.
Cô suy nghĩ mãi về việc có nên ghé thăm DeepDream tối nay không. Cô không định nói là mình nghiện, nhưng cô không nhớ lần cuối cùng cô có giấc ngủ tự thân bình thường là bao giờ. Cô cần DeepDream để ngủ, và để giữ một khoảng cách nhất định với thế giới này. Nhưng giờ đây, những sự việc xảy ra quanh cô khiến Trần Bích Băng nghĩ có lẽ đến cái rìa của thực tại mà cô tưởng là cô neo vào đây – chính nó cũng đang tan chảy ra và nhớp nháp bết vào các thực tại khác rồi. Có lẽ, y như lời DeepDream, chính cô cũng chỉ là
‘MỘT GIẤC MƠ BIẾT MÌNH ĐANG MƠ’.
Trong mơ, giấc mơ thấy mình chia làm hai, rồi làm bốn, rồi làm tám, rồi biến hóa thành vô cùng các giấc mơ.
◧◨
Khi bà tỉnh dây, Trần Bích Băng thấy mình là