Những tầng lầu của Tháp Mơ hay ghi chép mười sáu năm qua mỗi khi tỉnh giấc

Lưu Tử

[PHẦN I]

 

Giấc mộng tầng thứ nhứt. (Đi trong mơ/ những suy niệm về mộng)

Tôi nghe tiếng em hát ở tận dưới đáy của những chiếc thùng rỗng lửng lơ trong một vũ trụ xa lạ băng giá và tăm tối.  Tôi nghe tiếng những giai điệu một lần trong vắt chảy ngược lên trên khối khí của những chiếc thùng và trườn khắp không gian, những nốt cao như thể vạn vạn phiến pha lê mỏng mảnh va đập và vỡ nát lần lượt, những âm sắc không bao giờ chảy ra lần thứ hai, giống như một làn nước mãi mãi trôi qua không trở lại, giống như dòng thời gian của thế giới khắc nghiệt này, bây giờ không bao giờ là bây giờ nữa. Và em bắt đầu khóc. Em tiếp thu một cách khổ sở về những ý từ ly đau xót trong ngôn ngữ tôi, em nhận lấy đầy khó khăn thứ thời gian trôi một lần và những lưu ảnh không có thực của các vì sao trải triệu triệu năm ánh sáng mới đến được mắt người. Những ngôi sao thực đã chết, chúng cháy rụi từ thuở xa xưa, song lưu ảnh của chúng đến tận khi em ngước mắt lên nhìn vẫn ở đấy, lấp lánh một cách buồn thương, và ngấn mi em ứa lệ. Bây giờ không là bao giờ cả, chúng mình đang trôi đi trong một vũ trụ dập dềnh đau khổ, mà mỗi sát na một đều vĩnh viễn lụi tàn như thể những con sóng nuốt lẫn nhau và xô đập vào bờ cát trần gian miên mải. Và hồi ức của ta chẳng hơn gì những thước ảnh trắng đen từ những bộ phim câm xưa cũ, những thứ không bao giờ là thực và hiện hữu thêm lần nào nữa. Và bởi thế mà nỗi hoài nhớ đã khiến ta không ngừng bấu víu vào một hai hình ảnh mà ta tự huyễn mình rằng rồi ta sẽ tìm thấy lại, rồi ta sẽ chiếm lại quãng thời gian thiên đàng đã mất.

Nhưng phải làm sao, không, ta sẽ chẳng thể làm gì cả. Những lời ca của em rốt cuộc chỉ vang lên duy nhất một lần, những nốt âm trầm bổng ấy chỉ thoát khỏi môi em và bay lên vương vất, chạm vào không gian và vọng lại thêm ít giây, để buông rơi thành những làn âm mờ dần rồi đứt hẳn.

Thế nhưng vũ trụ lại tuần hoàn, thứ tuần hoàn uể oải của thái dương hằng ngày và thứ chu kỳ chán nản của những con sóng theo trăng làm chúng ta lầm tưởng rằng vẫn còn có thể gặp lại nhau thêm lần nữa, vẫn còn sống lại những ngày thơ xưa đã mất, vẫn còn tìm kiếm lại được những viễn tượng đầy ám ảnh của nỗi hoài nhớ ta về thiên đàng bất diệt, ta mị mê trong ngày và sống cho qua chúng để mong chờ tương lai sẽ cứu rỗi hiện tại và trở nên đẹp tươi như quá khứ đã từng. Không, em hãy tỉnh mộng, em hãy giật mình và thoát khỏi giấc mơ không hồi kết này, chúng ta đã mãi buông rơi mình hết từ giấc mơ này đến giấc mơ khác, những tưởng mình đã tỉnh ra và luồng sáng của thế giới soi tỏ những hình thái những màu sắc này là thực, và đầy hợp lý.

Nhưng không, không đâu. Trong những cơn mơ, ta không thể nhìn thấy rõ ràng màu sắc đó, những giấc mơ của ta xám ngoét và trí óc ta gầy dựng cho chúng thứ màu của hồi tưởng và áp đặt lên chúng những màu ấy, những tồn tại nghịch lý trong mơ ta đều tự phỉnh phờ mình là hợp lý và không thể nhận ra mối nối lỏng lẻo của thế giới, nhưng nếu ta khăng khăng muốn biết sự thực, ta sẽ tỉnh mộng, và cuối cùng khi tỉnh giấc, cơn mộng vừa rồi trôi khỏi não ta nhanh hơn lũ cuốn mùa xuân. Chẳng phải sao, đời sống này cũng vậy, khi em chết đi, em chẳng bao giờ nhớ được mình đã sống như thế nào. Em đã luôn đi trong mơ, chúng ta đã luôn đi trong mơ kể cả khi tỉnh giấc. Thành phố này là ảo ảnh của loài người, tình yêu này là ảo ảnh, minh triết này là ảo ảnh, thời gian này là ảo ảnh, những cơn gió xua qua là cảm giác không thực, nỗi đau của ta cũng như nỗi đau đớn tột cùng của những giấc mơ, thân xác này rồi sẽ rữa tan. Em đã ra ngoài và ăn một que kem nhưng em không biết chính xác chúng có mùi vị gì khi nhớ lại, que kem đó không có thực, thành phố không có thực, hồi ức chỉ ghi chép toàn những điều không thực, không tồn tại một sự thực chắc chắn nào.

Và cả những đớn đau này, những day dứt này, tuổi trẻ này, đều sẽ qua đi như những điều không thực. Loài người chẳng có gì ngoài nỗi cô đơn da diết và hoài nhớ khôn nguôi. Loài người trần truồng khổ sở muốn tìm quên thân phận của mình, đã khoác lên mình biết bao nhung gấm tưởng mê của danh dự và nhồi đầy vào những lỗ hổng luôn đói trong nhục thể mình, say sưa cùng vật chất và xây dựng bao nhiêu đền đài, đã lăn xả bao nhiêu cuộc đấu tranh, kiến tạo những giá trị văn hóa xã hội tôn giáo làm nền tảng và nhắm nghiền mắt quỳ lạy tôn thờ, và dắt díu nhau đi trong mơ, truyền cho nhau những mộng tưởng liên hồi qua những thần thoại, truyền thuyết, chuyện kể, qua di truyền và qua di sản. Một cơn mơ dài đời đời kiếp kiếp, kéo từ hằng vạn thế kỷ trước đến vạn thế kỷ về sau mãi mãi. Chỉ có vài cá nhân đã trở thành thánh thần hoặc đã dừng mọi sự kinh nghiệm lại, đã thức mình khỏi giấc mơ hồ điệp triền miên bất tận này của hằng hà ý thức ngủ mê. Chỉ có một vài thôi. Còn đàn người sót lại vẫn u mê trong rừng thẳm mà những tưởng rằng đấy là xa lộ sáng lóa ánh đèn.

Em của tôi, chúng ta không thể mở mắt ra em có thấy không, chúng ta bị đổ keo dầy trên con mắt minh triết, chúng ta nhầm lẫn hết thảy mọi điều, chúng ta để tâm trí và dục năng dẫn dắt mình nhưng chúng là một con ngựa hoang, chúng ta là những kẻ không nhà không cửa, không làm chủ được mình. Và vì thế chúng ta mãi mãi khổ sở tưởng mê, mãi mãi vin vào những điều tầm thường vụn vặt để làm khuây và hăng say như bao kẻ khác ra sức lấp đầy những lỗ hổng trong tâm thức và nhục thể mình, và vô ích thay, chúng ta luôn trống cạn. Một nỗi trống cạn dài dặc, một cơn đói quặn đau thống thiết, một nỗi khát cháy rực tâm can, một cảm thức thiếu thốn vô chừng mực. Dầu có bao nhiêu đi nữa chúng ta cũng không thể đủ đầy viên mãn. Ta vươn những cánh tay bất lực níu lấy tuổi thanh xuân và hồi nhớ những tháng ngày xưa cũ từng rực rỡ, ta quên mình trong những tràng cười vô nghĩa giữa một tập hợp loài người trong một đám tiệc, ta làm tình và say ngủ, yêu đương và tan rã, sinh con đẻ cái và tạo ra hằng hà sa số những linh hồn trống rỗng mê muội, và chết, và tái sinh để tiếp tục với những nỗi buồn không bao giờ kết thúc, nước mắt của nhân gian đã ngập bốn bể địa cầu. Chẳng điều gì cứu rỗi được. Chẳng cách nào khiến loài người mở mắt, và tan ra vẹn toàn, và diệt đi ý chí tựu hình cuối cùng còn sót lại, nỗi buồn thương cuối cùng còn vương lại trên quả đất này.

Này em, một khi tôi đã phản đối tình yêu, loài người sẽ nhìn tôi bằng cặp mắt khinh bỉ nhạo báng hoặc chí ít thòng đầy thương hại và nuối tiếc như những kẻ ngoài chấn song nhà thương điên nhìn bọn người bị nhốt lại bên trong. Nhưng cũng chỉ đến thế, và tôi không e sợ chuyện đấy. Tôi muốn nói với em rằng tình yêu chỉ là một cú lừa khác của những cảm giác tưởng mê trong người. Tình yêu chỉ là một danh từ được định nghĩa đầy bóng bẩy cao xa trong danh sách các thứ xúc cảm cao quý của loài người. Tôi muốn lật đổ ngôi vị mà họ đã nghiêng mình cung kính đặt chúng lên trên. Tôi muốn phỉ nhổ vào những thứ dối trá và mông muội nhân danh tình yêu trên đời. Loài người chỉ quá cô đơn, những nỗi cô đơn phải tìm lấy nhau, chung đụng và thỏa mãn nhau, nhưng những nỗi cô đơn lại không thể thỏa mãn nhau bởi chúng sẽ sanh ra luôn luôn một nỗi cô đơn mới kháu khỉnh và tròn đầy hơn cả hai khối cô đơn trước. Tình yêu chỉ là một miếng mồi tự nhiên dành cho loài người để những sinh vật (nghĩ rằng mình cao cấp) ngu muội trả lời cho đòi hỏi của tự nhiên về tiến hóa và duy trì nòi giống. Thứ nhất làm lý do chánh đáng hết sức cho bản-năng sinh con đẻ cái một cách có ý-thức, thứ hai làm lý do chánh đáng hết sức cho nỗi muộn phiền ngày xuân của những tâm hồn đơn côi. Vì loài người yêu nhất chính là bản thân mình, cái tôi xấu xí bé nhỏ đầy tham lam ở bên trong mình, họ phải tìm cách nuông mình vô kể xiết, và vì thế cái tôi ấy cần thêm một hoặc nhiều nữa cái tôi khác với những khuôn khổ họ thấy là cao quý ngang bằng hoặc hơn mình quỳ mọp xuống dưới chân và trìu mến mình, và thế là lạc thú của loài người không chỉ ở dục năng nguyên thủy như muôn loài, mà còn nằm ở tâm trí cô đơn miên man tìm kiếm một tâm trí cô đơn khác, một sự vị kỷ đã tìm kiếm một vị kỷ khác, một đóa thủy tiên đi tìm một tấm gương khác, để thỏa mãn sự vị kỷ của mình, và luôn luôn thất bại, bởi như tôi đã nói, họ không bao giờ, không bao giờ mãi mãi, thỏa được lẫn nhau, khi cả hai linh hồn trống cạn đầy tham khát và mê mị.

Vì thế, em yêu dấu, vì thế mà đêm nay lòng tôi như con tàu ra khơi đã quên mất hải trình, lênh đênh giữa một vùng biển lệ trùng trùng, những cột buồm cạn trơ dưới ánh sáng thiêu đốt của mặt trời mà không có một sự phản chiếu nào cản lại, những cánh buồm rách nát tả tơi và khoang thuyền rỗng tuếch. Vì thế mà tôi đã không còn tiếng nói, không thể mở môi, không thể quên đi thân phận của mình, không thể sống như bao kẻ mù lòa khác. Tôi đơn giản chỉ là một cá thể lạc loài, không tìm được cách mở mắt, nhưng biết rằng mình bị mù, một cách đớn hèn tủi nhục.

/Mùa xuân 2012/

Giấc mộng tầng thứ hai. (Những suy niệm về mộng tiếp nối)

Chúng ta luôn muốn sống trong mộng. Như cách chúng ta luôn muốn được lừa phỉnh, được thao túng, được dẫn dắt, được tin tưởng, được bán mình cho bất kỳ ai hay cái gì hứa hẹn với chúng ta một ảo tượng hợp ý.

Mỗi người mang theo bên mình một túi mộng thật lớn mà y cứ theo quy tắc của giấc mộng, chúng ta chỉ kinh nghiệm được giấc mộng của riêng mình thôi, mặc dù có thể chúng ta vẫn chia sẻ cùng nhau một vài giấc mộng vĩ đại, nhưng rồi tự bản thân đều biến chúng thành thứ của riêng mình. 

Tuy vậy, đây lại chưa bao giờ là một giấc mộng. Đây là một trò chơi khắc nghiệt mà mỗi hành vi ta làm tưởng như chả dính líu chi đến ai bởi vì ta nghĩ ta ở trong cơn mơ riêng của mình, vậy mà lại có thể ảnh hưởng đến một người chơi khác theo những thể thức ta hoàn toàn không thể nắm bắt hết được. Một trò chơi nguy hiểm mà cơ chế của nó chưa bao giờ là nâng đỡ chúng ta và khiến chúng ta thoát ra được khỏi nó. Nó luôn muốn chúng ta có thể ngủ thật sâu và làm mọi thứ như thể trong mơ, phi lý và thiếu cảnh giác, với cái tôi thổi phồng.

Thật đau đớn nhưng cần phải tỉnh mộng. Tỉnh mộng là một quá trình đau đớn, nhưng sau đó không còn gì để mất nữa. 

Thế nhưng, làm sao mà những giấc mộng vẫn đẹp như vậy? Bởi vì những hình ảnh được tạo ra cho chúng ta, và chúng ta ham muốn chúng mãi mãi, như củ cà rốt treo trước mũi ngựa để khiến chúng chạy mãi và chẳng bao giờ gặm được. Những giấc mộng thơm tho như những quả dâu tây mọng nước rực rỡ dưới ánh trưa hè và ta thì khát cháy. Giấc mộng như người thiếu nữ xuân thì với đôi môi hồng tươi dỗi hờn và bờ vai gầy thanh tao trong chiếc váy ngủ trễ vai viền đăng ten xếp nếp và những lọn tóc thơm mềm xoã sau chiếc gáy măng tơ trẻ dại. Giấc mộng như tuổi xuân, như trái chín, như ly nước mát, như bãi tắm trần trụi thơ mộng, như những ánh mắt ngưỡng mộ, như vì sao xanh ngắt toả sáng xa xăm.

Chao ôi là những giấc mộng của tôi: những công chúa trẻ đẹp vô tư lự nô giỡn bên đài phun có đàn thiên nga trắng phau của toà lâu đài lớn mà thảm hoa và những cây cam rực chín trải khắp khu vườn, mộng thấy rồi đến thời mình sẽ gửi bức chân dung tuyệt nhất của mình đến khắp xứ sở và một chàng hiệp sỹ hoặc hoàng tử sẽ đến trên một cỗ xe lớn với những con tuấn mã thuần trắng bày đầy ngọc trai và vàng thỏi và trăm vạn loài hoa dưới chân mình mà hỏi xin tình yêu trọn đời từ mình và mình sẽ ưng lòng bước lên cỗ xe ấy trong tiếng kèn ốc loan báo tin mừng dưới một trận mưa hoa mùa xuân.

Thường thì bao giờ người ta cũng vỡ mộng, cho dù giấc mộng có đẹp đến giai đoạn nào đi chăng nữa, bao giờ bóng dáng thực của trò chơi cũng hiện ra thấp thoáng hoặc phũ phàng, bởi sự thực không thể che phủ nỗi của những phù du bọt bóng, rằng mọi thứ trôi lụi đi như toà lâu đài xây trên cát, nào là tình yêu, gia sản, tuổi già, bệnh tật, sự phản bội, lừa lọc, mất mát, và người ta yêu hoặc chết đi hoặc phản trắc, và ta phải chung sống cùng những kẻ ta khinh khi hay ghét bỏ trong làn da nhăn nheo dần và trí óc chai sạn dần, mất đi mọi hy vọng, cáu kỉnh, hoảng sợ, nghi hoặc, đố kỵ, và cuối cùng: cái chết.

Trong khi xây những giấc mộng, ta không ngờ rằng những quả dâu đỏ tươi rồi sẽ rữa nát, đôi môi người thiếu nữ rồi nhăn túm, những lâu đài tan hoang bởi dịch bệnh và chiến tranh, váy vóc bị rách nát và những con thiên nga thì bị nướng trên lửa của dân mọi. Cơ chế của trí não ta chính là cơ quan đầu não của trò chơi, ở đó chứ không ở đâu khác, ta là chủ tể và là kẻ tôi đòi, ta xây dựng trò chơi và bị phản lại bởi chính nó, ta cầu ước để rồi thất vọng, ta mong thắng những cái bóng ngoài kia mà không nhận ra trận đấu ấy chỉ có chính mình cùng những ham muốn ngu xuẩn. Ta trói mình vào cơn mộng.

Ở đâu có mong ước, ở đấy có sự lụi tàn của những ước mong. Hy vọng là nền tảng của tuyệt vọng. Và ta không có cách nào khác ngoài chọn nó, thứ cuối cùng sót lại trong chiếc hộp/ bình được trao cho loài người.

Hãy hy vọng về đời sống, người ta bảo. Vậy mà người ta không bảo đời sống là con đường dẫn đến cái chết. Hãy yêu, người ta bảo, vậy mà không bảo gì đến chia ly. Hãy kết hôn, hãy đi du lịch, hãy kéo dài tuổi xuân bằng thứ này, và giữ gia đình hạnh phúc bằng thứ kia, vậy mà người ta không bảo về những cuộc xung đột khủng khiếp, những đứa trẻ thất vọng, chuyến đi nào cũng kết thúc, và tuổi xuân đem theo người chị em của nó là tuổi già. Bản chất của trò chơi là hư nguỵ, mỏng manh, chóng tàn, phù phiếm, mà con người thì chỉ biết đuổi theo những cái bóng mơ hồ thoắt hiện thoắt tan của chính mình, mỗi người vì nhiều phương kế khác nhau đoạt lấy từ kẻ khác nhằm phục vụ cho giấc mộng của mình và thương tổn lẫn nhau và ngốn ngấu tất thảy mọi tài nguyên sẵn có.

Tôi cũng muốn được sống trong mộng. Tôi cũng có những giấc mộng của mình. Những giấc mộng mà trong đó tôi sẽ được thụ hưởng tình yêu, mật ngọt, những quả dâu và tuổi xuân vĩnh hằng, không có bóng đêm cô đơn dằng dặc và thế giới mù khói khắc nghiệt mà chỉ có ánh nắng ấm áp chói sáng trên gò má xuân xanh của người bạn muôn đời sẽ mãi đùa nô cùng tôi và chúng tôi sẽ luôn có đủ mọi thời gian, khung cảnh, tiện nghi để cùng khám phá cùng rong chơi mãi mãi. Nhưng tôi biết rằng trong khi tôi mơ đến những thứ phù phiếm như món bánh trái cây đắt tiền, đầy rẫy những đứa trẻ phải thiếp đi trong cái đói tàn khốc và sương giá, trong khi tôi muốn được yêu thương thì vạn vạn người nhẫn nại vác gánh sinh nhai của mình và nỗi đau đớn vì gia cảnh hay vì bệnh tật. Cho dẫu mỗi ngày tôi chỉ thấy người khác đăng một cuộc sống sung túc, với đủ đầy phúc lạc đến từ người yêu, gia đình, với những buổi tiệc tùng, những gương mặt và thân hình hoàn hảo, trăm bộ áo váy xinh tươi, ngàn dặm du hý tuyệt vời. Và ở đâu đó trong trí não tôi lại phát lên những khẩu lệnh đầy đau đớn thúc ép tôi như một con ngựa ngu xuẩn đuổi theo củ cà rốt treo trước mõm. Thế nhưng tôi lại ớn lạnh rùng mình trước mọi củ cà rốt đó. Hoặc giả bởi tôi là một con ngựa thông minh hơn, hoặc giả tôi chỉ là một con ngựa quá lười nhác, vì cái mà tôi thấy vừa là một củ cà rốt tươi ngon vừa là một đống phân kinh dị. Và thực lòng tôi chỉ muốn trò chơi này kết thúc. Thế nên mặc cho hệ thống dệt mộng vẫn quay đều trong mình, tôi gắng mở mắt ra để thấy sự thực. Sự thực cam go và khốc liệt, phũ phàng đau đớn, sự thực là tôi đã có dư phần của mình để chơi song chẳng phải ai cũng có phần, vậy mà tôi vẫn đòi thêm, sự thực chỉ là nhìn thấy tôi chưa bao giờ thắng trò chơi này và đến nay vẫn kẹt mãi tại y nguyên chỗ cũ.

Nhìn thấy sự thực, tôi có đôi khi cũng chán ghét mình, một điều tự nhiên hết nhẽ, bởi tôi luôn tin rằng mình tạo ra mọi đau khổ cho mình. Nhưng có một sự thực mà thật khó để kinh nghiệm, rằng ngay cả cái tôi mà trí não tôi mường tượng nên cũng chẳng có thực. Phút này cái tôi ấy sẽ  mong muốn điều này, vậy mà phút sau đã lại khác. Thế nhưng thói tật khó kiểm soát và gây nên những bất hạnh cho chính mình của cái tôi cũng vốn là điều rất thông thường. Cho dù cố cá nhân hoá mình, song con người tôi thực chất cũng y hệt như người khác, bị điều kiện hoá bởi cơ chế sinh học và muôn thứ khác, bởi ảo tưởng cái tôi, mù mờ vì định kiến, dễ tổn thương về tâm lý cũng như cơ thể. Thứ duy nhất mà tôi có thể làm là cố gắng với bản thân mình để nhìn thấy mình chẳng qua cũng chỉ là con rối của những điều ảo tưởng và ngu xuẩn, của những hành động sai lầm, những giấc mộng miên viễn. 

Thế nên cho dù không thể ngay lập tức thoát khỏi mộng cảnh, tôi vẫn mong mình có thể kiên nhẫn từng chút một dung nạp sự thực và trau dồi đôi mắt, để có thể thấy ánh sáng, có thể hiểu được cơ chế bên trong mình và cuối cùng chấm dứt một lần cho mãi mãi giấc mơ không hồi kết này.

/Mùa xuân 2020/

 

Giấc mộng tầng thứ ba. (Thế giới ý niệm và thế giới thực)

Thế giới ý niệm và thế giới thực.

Chúng ta đã từng luôn suy nghĩ về thế giới này và về tồn tại của tất cả mọi thứ ngoài ta lẫn trong ta (khách thể và chủ thể). “Tôi tư duy, tôi tồn tại” phải chăng là tuyên ngôn của một cái tôi trí thức đã xem thường cảm giác của cơ thể (thay vì “Tôi đau/đói, tôi tồn tại) hay chỉ là một cú vấp nghịch lý của tư duy? (Tôi không thể nghi ngờ có tôi bởi nếu thế ai đang tự suy ngẫm?). Chúng ta đã từng luôn tranh đấu với chính mình và với kẻ khác. Chúng ta dường như đã từng là những cá thể độc lập, tưởng mình riêng biệt, tư duy về sự độc nhất của mình và tự hào cũng như lo lắng về sự tồn tại (liệu có chăng?) của mình.

Nhưng tất cả có lẽ phiến diện khi cho rằng cái tôi chỉ tồn tại trong tư duy hay trong cái đau/ cơn đói, và có lẽ cái tôi tồn tại liên tục từ cái đau qua cơn đói và qua tư duy?

Cái tôi quả thực là một ảo tưởng liên tục. Chúng ta sống trong những cơn ảo mộng liên tục chồng đè lên thế giới thực, chúng ta hầu như không biết gì về thế giới thực đang trôi chảy như một dòng thác lũ. Tất cả những gì chúng ta có trong tay nhanh chóng bị quét đi bởi ảo mộng, chúng ta là những kẻ xây dựng nên thế giới ảo ảnh này và là nạn nhân của chính mình.

Hãy nhìn xung quanh, cái ta thấy đầu tiên đã bị giới hạn bởi khái niệm tên, bởi những dấu hiệu do tích luỹ ký ức của chúng ta đánh dấu, những thứ chúng ta đã được học, những quy ước cùng nhau: cái ghế, bông hoa hồng, viên gạch, biển, con trai, con gái, nhân viên văn phòng, công ty, tiền, v...v...

Tất cả những thứ đó được tạo ra, được đặt tên, quy ước, tất cả những thứ xung quanh ta đều do trí tưởng tượng của chúng ta xây dựng nên, bởi thế chúng ta chia sẻ cùng nhau giấc mộng này.

Thế giới thực không liên quan gì đến cách ta tin vào thế giới ý niệm với những niềm xác quyết đinh ninh. Thế giới thực thay đổi như một dòng thác lũ trôi qua ta. Mỗi khắc giây một thế giới thực chết đi và tái sinh đều không như thế giới trước đó, đói, đói hơn, rồi chợt đau, rồi một cảm giác dễ chịu mát mẻ, lại một ý nghĩ miên man, một âm thanh, một cảm giác nóng hay lạnh, một hình ảnh đáng ghét xuất hiện, kéo theo một hồi ức. Tất cả chúng là thế giới thực vụn vỡ liên tục và sinh ra liên tục, chúng có thể là tiền đề của cái đến sau chúng, nhưng chúng vĩnh viễn không cùng tồn tại. 

Tự do chính là bắt đầu nhìn thấy thế giới thực. Bởi vì ta luôn bị trói buộc bằng những ý niệm, ký ức, bằng thói quen, bằng sự nhầm tưởng, bởi chúng ta đã quen muôi với mọi sự ràng buộc của chính mình, quen nghe theo mọi đòi muốn từ mình, mọi thiên kiến chủ quan, tin tưởng mà không kiểm chứng, sự tù đày phó mặc ấy bao giờ cũng dễ chịu hơn một cuộc tranh đấu tàn khốc cùng chính mình để chịu trách nhiệm, suy xét, khám phá, học hỏi hay từ bỏ.

Tự do cũng chỉ là một ý niệm dần lỗi thời. Chúng ta sẽ ngày càng muốn sự tù đày ảo ảnh, chúng ta chỉ dấn vào những nẻo đường mà vào điểm cuối cùng chúng ta mất tất cả mọi tư duy, mọi suy xét, phó thác thân thể và tâm trí cho một hệ thống ảo tưởng to lớn do chính mình xây dựng, chúng ta đòi làm nô lệ cho những gì mình ham thú nhất thời, và từ chối tự hiểu rõ mình, để cho một tập hợp xu hướng từ hệ thống dẫn dắt và nói cho mình biết mình là ai, mình cần gì. Chúng ta đã quen nhìn thấy mình trong những tấm gương lớn và sáng đẹp, chúng ta quen nghe những hiệu lệnh từ muôn vạn hệ thống bên ngoài, chủ nghĩa tư bản hay chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa dân tộc hay những tôn giáo mới, mọi thứ chẳng qua chỉ là những bóng chớp nối nhau trong giấc mộng dằng dặc.

Thế rồi chúng ta sợ hãi khi tiếng nói nào còn tỉnh táo cất lên trong mình, và cố vùi tắt chúng đi, sợ hãi sự mâu thuẫn từ những tiếng nói ấy, chúng ta nghe theo hiệu lệnh dễ dàng nhất để không phải trăn trở nữa, cái tôi mà chúng ta tưởng tượng là mình ngày nay chỉ càng trở nên phì nộn đến đau đớn trong một thế giới giả mạo luôn thúc giục chúng ta bày tỏ ảo tưởng cái tôi và vun đắp thêm cho chúng bằng những thứ hời hợt cặn bã, thời đại suy tôn những giá trị vô nghĩa, ngu xuẩn, người ta nhìn nhau và chỉ thấy những cái gì dễ thấy nhất được dát lên nhau: một chiếc xe, một bộ cánh, một vị trí xã hội, một cơ hội tiềm năng để mở rộng mối quan hệ xã hội...

Cất đi những tiếng nói cùn nhụt vụn nát, những tia sáng thoi thóp của thời mà con người tuy vẫn sống trong ảo tưởng song cố thoát ly khỏi ảo tưởng bằng tư duy hoặc bằng trí tuệ, giờ đây, ta buông vũ khí, phó mình cho hệ thống, thế giới ý niệm, thuật toán và cơ sở dữ liệu, chủ nghĩa tiêu dùng và hệ thống cai trị toàn tinh cầu.

Một giấc mộng tràn lấp, nuốt lấy nhau, nên mọi nơi rồi sẽ hệt như nhau, đầy ánh sáng nhân tạo, đầy những bảng quảng cáo, những tập hợp người với mô thức tư duy giống nhau.

Ai cũng muốn chỉ là một tế bào của hệ thống, chúng ta khao khát hiến tế mình cho hệ thống mà không mảy may chớp mắt chứ đừng nói đến đấu tranh.

Thật tuyệt khi cuối cùng có vẻ như chiến tranh sẽ dần dần kết thúc, và một tương lai mới là nơi con người hầu như sung sướng ngủ êm trong giấc mộng giàu sang, bất tử, vô lo nghĩ, phó thác mọi điều cho một hệ thống chính trị chung duy nhất, một tôn giáo chung duy nhất.

(còn tiếp)

Next
Next

Rêu phong màu hồng